Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 21/5/2009 14:14'(GMT+7)

Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội

 Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học - những người đã hành động không mệt mỏi với mong muốn giải phóng con người một cách triệt để, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho con người lại càng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Là người “học trò nhỏ” của C.Mác, V. Lênin, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của C. Mác về công bằng xã hội vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Trước khi tìm hiểu việc Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của C.Mác về công bằng xã hội, chúng ta cần có cách hiểu thống nhất về khái niệm công bằng xã hội. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khái niệm này khi so sánh với khái niệm bình đẳng xã hội. Công bằng xã hội có những nét giống nhưng không trùng khít với bình đẳng xã hội.

Bình đẳng xã hội là sự ngang bằng nhau giữa người với người về một hay một vài phương diện nào đấy (như kinh tế, chính trị, văn hoá…), còn sự ngang bằng nhau giữa người với người về mọi phương diện là bình đẳng xã hội hoàn toàn.

Công bằng xã hội có thể coi là một dạng của bình đẳng xã hội, đó là sự ngang bằng nhau giữa người với người trong mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Nói cách khác, thước đo của công bằng xã hội là: ai có cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau.

C.Mác không phải là người đầu tiên bàn về công bằng xã hội. Trước ông đã có rất nhiều nhà tư tưởng nghiên cứu về vấn đề này. Cái mới của C.Mác chính là ông đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng để tiếp cận về công bằng xã hội. Những tư tưởng của C.Mác được thể hiện ngay trong khi ông đánh giá tư tưởng của Arixtốt về vấn đề này. Theo Mác, Arixtốt đã xuất phát từ lập trường của giai cấp mình để cho rằng chuẩn mực đạo đức của con người phải phù hợp với sự khác nhau về đẳng cấp xã hội, theo đó chỉ những người ở tầng lớp trên, tầng lớp trí thức mới là người có đạo đức. Nghĩa là theo Arixtốt, trong xã hội có giai cấp thì sự bất bình đẳng về của cải, chính trị, đạo đức là hiện tượng bình thường, nó như sự mặc định về địa vị của con người trong xã hội. Mác đã phê phán tính chất phi lịch sử của quan điểm này khi cho rằng sự bất bình đẳng giữa người với người là tự nhiên sẵn có mà mọi người phải tự nguyện chấp nhận. Ngược lại, Mác lại đánh giá rất cao cống hiến thực sự của Arixtốt trong quan niệm về công bằng xã hội ở chỗ Arixtốt là người đầu tiên phát hiện ra thước đo của sự công bằng nằm chính trong cơ sở kinh tế. Vì theo Mác, chính Arixtốt đã có lúc cho rằng cơ sở của sự công bằng là công bằng trong trao đổi vật phẩm: “sự trao đổi không thể có được nếu không có sự bằng nhau, nhưng sự bằng nhau lại không thể có được nếu như không thể đo chung được”(1). Nhưng trong điều kiện của một nền sản xuất hàng hoá kém phát triển, Arixtốt không thấy được chính lao động kết tinh trong hàng hoá là thước đo chung của công bằng, bình đẳng trong mối quan hệ trao đổi hàng hoá, do đó quan niệm của ông về công bằng xã hội bị bó hẹp trong quan hệ đẳng cấp. Cũng trên lập trường duy vật ấy, Mác chỉ rõ trong điều kiện khi mà quan hệ giữa các cá nhân còn bị chi phối bởi tính ngẫu nhiên và độc lập với những cá nhân riêng lẻ thì sự liên hiệp giữa các cá nhân “hoàn toàn không phải là tự nguyện như đã được miêu tả trong “khế ước xã hội”, vả lại cái quyền được hưởng tính ngẫu nhiên mà không bị cản trở gì trong khuôn khổ những điều kiện nhất định là cái mà cho tới nay người ta gọi là tự do cá nhân. Những điều kiện tồn tại ấy đương nhiên chỉ là những lực lượng sản xuất và những hình thức giao tiếp hiện hữu”(2). Từ đó, Mác đi đến khẳng định thực chất của quan hệ công bằng giữa người với người không phải là quan hệ bị chi phối bởi một sức mạnh nào khác ngoài sức mạnh bị quy định bởi chính đời sống xã hội hiện thực do sự “tác động lẫn nhau giữa những con người”(3). Nghĩa là theo ông, công bằng xã hội là một phạm trù lịch sử, bị quy định bởi “những lực lượng sản xuất và hình thức giao tiếp hiện hữu” nên trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau thì quan niệm và việc thực hiện công bằng xã hội là khác nhau. Hơn nữa, khi chúng ta hiểu công bằng xã hội là sự ngang nhau giữa người với người trong mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, lao động và sự trả công…thì xét theo một góc độ hẹp là sản xuất thì nó thuộc mặt quan hệ phân phối trong quan hệ sản xuất, do đó chịu sự quy định của lực lượng sản xuất và các quan hệ xã hội khác mà trực tiếp hơn là mặt quan hệ sở hữu trong quan hệ sản xuất.

Vẫn đứng trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã làm rõ hơn tính lịch sử của công bằng xã hội. Người chỉ rõ sở dĩ xã hội có sự bất công khi “trao hầu hết các quyền lợi cho một giai cấp này, và trái lại, trút hầu hết các nghĩa vụ lên đầu giai cấp kia”(4), khi nhân dân chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền lợi là do “một số ít người đã chiếm làm tư hữu những tư liệu sản xuất của xã hội”(5). Vì có trong tay tư liệu sản xuất của xã hội nên số ít người này đã chiếm lấy hầu hết của cải của xã hội do nhân dân lao động làm ra. Do đó, công bằng xã hội chỉ thật sự có được khi xoá bỏ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, khi nhân dân lao động là người làm chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hoá. Trong chế độ xã hội mới đó, “nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi”(6)

Nói về công bằng xã hội khi chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được thiết lập (hay nói cách khác là trong chủ nghĩa xã hội), ở tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta”, Mác cho rằng điều này thể hiện trước hết ở nguyên tắc phân phối theo lao động. Nghĩa là sau khi đã khấu trừ đi những khoản cần thiết để duy trì sản xuất, tái sản xuất cùng như để duy trì đời sống của cộng đồng, toàn bộ số sản phẩm còn lại của xã hội sẽ được phân phối theo nguyên tắc mỗi người sản xuất sẽ được nhận trở lại từ xã hội một lượng sản phẩm tiêu dùng trị giá ngang với số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội, sau đi đã khấu trừ đi số lao động của anh ta trong các quỹ xã hội(7).

Hồ Chí Minh vẫn trung thành với nguyên tắc phân phối theo lao động, nghĩa là mỗi người sẽ được hưởng thụ một phần tương xứng với mức độ đóng góp, cống hiến của họ, khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng”(12). Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã phát triển quan điểm của C.Mác khi vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, bởi theo Người công bằng xã hội không chỉ dành riêng cho những người lao động trực tiếp mà còn đảm bảo cả cho những người chưa đến tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động với tiêu chí “Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả đau yếu và trẻ con”(13). Quan điểm của Mác về nguyên tắc phân phối theo lao động là cơ sở để ngày nay người ta đưa ra khái niệm công bằng xã hội theo chiều ngang (tức là sự đối xử như nhau đối với những người có đóng góp như nhau). Hồ Chí Minh một mặt vẫn kế thừa tư tưởng này của C.Mác, mặt khác lại mở rộng hơn nguyên tắc phân phối theo lao động, làm cơ sở cho khái niệm mà nhiều học giả hiện nay đang đề cập tới là công bằng xã hội theo chiều dọc (đối xử khác nhau với những người có khác biệt bẩm sinh hoặc có điều kiện sống khác nhau). Sáng tạo của Hồ Chí Minh đã thể hiện tính nhân văn, nhân bản của công bằng xã hội. Đó cũng là một trong những cơ sở lý luận để Đảng ta đưa ra quan điểm: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời thực hiện phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực xã hội khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”(14).

Hiện nay, có nhiều người vẫn băn khoăn trong điều kiện đất nước còn kém phát triển thì có nên chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế sau đó mới tính đến công bằng xã hội hay không? Vì liệu công bằng xã hội có mâu thuẫn, cản trở tăng trưởng kinh tế hay không? câu hỏi ấy đã được Hồ Chí Minh giải đáp từ thế kỷ trước, khi Người viết: “Có khi vật tư hàng hoá không thiếu, mà phân phối không đúng thì gây ra căng thẳng không cần thiết. Trong công tác lưu thông phân phối có hai điều quan trọng luôn phải nhớ:

“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”(15) .

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh thực hiện công bằng xã hội không phải là cào bằng, “chia đều sự nghèo khổ”: “Con người có trí tuệ, năng lực, thể chất khác nhau nên có cống hiến khác nhau, không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ cũng công điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân’’(16). Như vậy theo Hồ Chí Minh, thực hiện công bằng xã hội là một yêu cầu bức thiết, cuộc sống càng nhiều khó khăn thì lại càng phải thực hiện công bằng. Điều đó là đúng vì theo cách hiểu công bằng xã hội mà ta đã thống nhất ở trên thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay của đất nước. Nhận định trên của Hồ Chí Minh cũng cho thấy Người đã tìm thấy sức mạnh động lực của công bằng xã hội đối với sự phát triển của xã hội. Ngày nay, không một quốc gia nào không thấy rằng công bằng xã hội vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa giữ cho xã hội ổn định. Đây chính là quan điểm hoàn toàn mới mẻ của Hồ Chí Minh , thể hiện tư duy sáng tạo của Người.

Công bằng xã hội là một trong năm mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Công bằng xã hội cũng đang là vấn đề trực tiếp, thời sự, cấp bách của Việt Nam cũng như thế giới. Chính vì vậy, một lần nữa chúng ta phải nghiên cứu một cách sâu sắc, triệt để quan điểm của các nhà kinh điển về công bằng xã hội làm cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước ta có thể giải quyết tốt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn./.

Hà Thị Thuỳ Dương, Khoa triết học, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV

Tài liệu trích dẫn:
(1) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 23, Nxb CTQG, H 1995, tr97.
(2), (10), (11) Sdd, tập 3, tr109, 47.
(3) Sdd, tập 27, tr657.
(4) Sdd, tập 21, tr263.
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập7, Nxb CTQG, H, 2000, tr203,219.
(7) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H 1995,30-34.
(8), (9) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 19, Nxb CTQG, H 1995, tr35, 34-36.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập9, Nxb CTQG, H, 2000, tr175.
(13) Sdd, tập8, tr226.
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, 2001, tr88
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập12, Nxb CTQG, H, 2000, tr185.
(16) Sdd, tập4, tr143.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất