TS Nguyễn Khánh Hòa đề nghị Hội đồng chức danh khoa học Nhà nước nên cho phép các nhà khoa học sử dụng các bài báo công bố quốc tế trên mạng internet thay vì chỉ các bài báo photo khi ứng viên tham gia xét phong chức danh khoa học.
Mới đây, tôi có một người bạn là tiến sĩ, hiện đang làm việc ở trong nước nhờ tìm hộ bìa và mục lục của một số tạp chí quốc tế có đăng các công trình của anh trong những năm gần đây để chuẩn bị hồ sơ để xét phong Phó giáo sư (PGS) trong thời gian tới.
Tôi mất hai tháng để liên hệ và hỏi một số thư viện cũng như các khoa có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của anh ấy tại nơi tôi làm việc nhưng không thành công và nhiều khi thấy xấu hổ vì những yêu cầu lạc hậu của mình.
Kiểm tra lại văn bản “ Tiêu chuẩn các chức danh GS, PGS và các quy định xét công nhận các chức danh GS, PGS” tại Hội nghị Tập huấn công tác xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (06/2006), tôi thấy có dòng quy định thuộc mục hồ sơ của ứng viên:
Hồ sơ đăng ký cá nhân phải gồm 2 bộ giống nhau, in trên giấy khổ A4, có mục lục và đánh số trang, mỗi bộ gồm 2 phần:
A)…
B) Phần hai, đóng thành tập 2, gồm:
...
11) Các bản chụp toàn văn các bài báo khoa học, bìa và mục lục của quyển tạp chí đã đăng bài báo, đóng thành tập. (Nếu các bài báo quá nhiều có thể đóng thành một số tập theo thứ tự 2-1, 2-2 …).
Quy định này tương đối chặt chẽ, tuy nhiên có một điểm không còn phù hợp và gây khó khăn cho các ứng viên là việc thu thập bìa và mục lục của quyển tạp chí đã đăng bài báo.
Hiện nay, đa số các tạp chí quốc tế viết bằng tiếng Anh đều được phát hành online, vì vậy, các thư viện cũng chỉ đăng ký và mua bản quyền truy cập vào các tài liệu này qua internet. Báo giấy chỉ phát hành cho những cơ sở đặc biệt làm nhiệm vụ lưu trữ hoặc những cơ sở có yêu cầu vì chi phí lớn hơn nhiều so với phát hành trên internet. Hơn nữa đa số các bài báo khoa học đều có thể dễ dàng tìm thấy trên internet. Thí dụ: Các bài báo nghiên cứu trong lĩnh vực Y sinh học đều có thể dễ dàng tìm thấy tóm tắt và tên tác giả cũng như ngày, tháng phát hành trên trang web www.pubmed.com. Mục lục của tạp chí cũng dễ dàng truy cập nếu vào website của tạp chí. Vì vậy tôi nghĩ rằng quy định này nên loại trừ đối với các công bố có thể truy cập được trên internet và bổ sung thêm việc cung cấp địa chỉ website của tạp chí đã đăng bài báo của tác giả.
Nhiệm vụ của Hội đồng chức danh là thẩm định và xem xét giá trị của các bài báo đó để khẳng định tính trung thực và giá trị các công trình của ứng viên thông qua hồ sơ tự chuẩn bị của ứng viên. Việc chỉ thẩm định qua bản photocopy của bìa và mục lục tạp chí tạo cảm giác thiếu tin tưởng về năng lực của những người trong Hội đồng vì chắc chắn rằng tất cả những người được giao nhiệm vụ trong Hội đồng đều biết truy cập internet và có thể kiểm tra được những thông tin do ứng viên cung cấp trên internet.
Trong thời gian xem xét hồ sơ, nếu có nghi ngờ về thông tin của ứng viên, thành viên của Hội đồng thẩm định có thể truy cập vào trang web được ứng viên cung cấp để tìm. Điều đó dễ dàng cho các ứng viên hơn nhiều so với việc phải tìm bìa và mục lục của tạp chí. Tuy nhiên, với những công bố đã cũ, hoặc công bố trong nước, công bố tại các tạp chí không có trên internet thì việc cung cấp bìa cũng như mục lục là điều cần thiết.
Qua diễn đàn này, tôi đề nghị Hội đồng chức danh khoa học nhà nước sửa đổi và bổ sung quy định này cho phù hợp với điều kiện thực tế./.
(Theo Báo Nhân Dân )