Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 22/5/2012 22:10'(GMT+7)

Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, mở rộng thị trường tại Nhật Bản

Nhiều hợp đồng đã được doanh nghiệp hai nước ký kết. Ảnh minh hoạ

Nhiều hợp đồng đã được doanh nghiệp hai nước ký kết. Ảnh minh hoạ

 

Năm 2011, mặc dù Nhật Bản phải chịu đại thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân trầm trọng, nhưng quan hệ hợp tác, kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ.

Về thương mại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đã đạt 21,1 tỷ USD năm 2011, tăng hơn 26% so với 16,7 tỷ USD năm 2010. Trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 10,7 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2010.

Nhiều mặt hàng Việt Nam từ lâu đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như: thủy sản, may mặc, đồ gỗ, cà phê, sản phẩm nhựa, đồ da, giày dép, dây và cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện… Trong 3 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 3,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Về đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản cũng là nhà đầu tư dẫn đầu trong số 26 quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,3 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Lê Hoàng Oanh cho biết: “Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển tốt đẹp và bền vững với lịch sử quan hệ gần 40 năm kể từ khi hai nước thiếp lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản – ASEAN, hai bên đã ký kết Hiệp định đối tác song phương Việt – Nhật năm 2008, tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước”.

Ông Võ Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á- Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, người đã có nhiều năm công tác tại Nhật Bản chia sẻ: Nhật Bản là thị trường rất có tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, với lợi thế giá nhân công rẻ, nhiều hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản có giá thành thấp nên có khả năng cạnh tranh cao cũng như có thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nhóm đối tượng khách hàng ở tầng lớp bình dân.

Tuy nhiên, ông Hà cũng lưu ý, thị trường Nhật Bản khá khó tính về các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, người Nhật Bản đặc biệt trọng chữ tín trên thị trường. Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập và làm ăn được tại thị trường này, cần phải nghiên cứu, hiểu và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật; nghiêm túc, giữ chữ tín./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất