Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 13/4/2014 20:4'(GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo thông tin từ ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong buổi công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 tổ chức ngày 8-4 vừa qua, đến năm 2014, cả nước có khoảng 700.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng số còn hoạt động chỉ khoảng 400.000 doanh nghiệp. Nguyên nhân các doanh nghiệp giảm đi nhiều là do môi trường kinh tế vĩ mô biến động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều rủi ro. Từ năm 2007 đến năm 2012, số doanh nghiệp siêu nhỏ có xu hướng tăng lên, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ lại ngày càng giảm xuống.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta được hình thành với số vốn rất khiêm tốn, trong khi các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm hơn 2% so với tổng số các doanh nghiệp, không đủ sức “dìu dắt” các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn để tồn tại là phải chịu sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế với nhau. Nói như ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), thì doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,9% tổng số lượng doanh nghiệp cả nước, với 12,8% lao động, nhưng lại có tới 26% tổng số vốn và tạo ra 32% GDP là bất bình đẳng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài Nhà nước không đủ sức cạnh tranh để tồn tại. Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tư nhân rất khó khăn khi tiếp nhận các nguồn vốn, đất đai, hay thực hiện chính sách tiền lương so với doanh nghiệp Nhà nước. Không những vậy, họ còn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất-kinh doanh với các cổ đông. Việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn thua lỗ, phải giải thể hàng loạt cũng là điều dễ hiểu.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng để thực hiện hiệu quả chủ trương này, trước hết phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thành lập quỹ bảo trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, xúc tiến thương mại…

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ thay đổi về lượng, chứ chưa thay đổi về chất. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được hỗ trợ để bồi dưỡng, đào tạo về công tác quản trị kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; đổi mới trang thiết bị sản xuất-kinh doanh… để nâng cao sức cạnh tranh. Chúng ta nên nghiên cứu, học tập các nước như Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng các giải pháp liên kết giữa các trường đại học, trường nghề, các viện nghiên cứu với doanh nghiệp, lấy viện nghiên cứu và trường học làm nơi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới kỹ thuật, công nghệ; Chính phủ bảo lãnh với ngân hàng trong việc vay vốn phục vụ cho sản xuất-kinh doanh và bảo lãnh với cơ quan thuế trong việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu gặp rủi ro trong quá trình hoạt động; được hỗ trợ về đào tạo cho các giám đốc, nhà quản lý để tham gia kinh doanh tại các thị trường nước ngoài... Có như vậy mới giảm được tình trạng giải thể, phá sản nhiều doanh nghiệp như hiện nay và góp phần ổn định, phát triển cho nền kinh tế nước nhà./.

Lê Phi Hùng (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất