Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, triển khai Đề án số hóa
truyền hình, phủ sóng truyền hình qua vệ tinh sẽ hiệu quả nhất đối với
các tỉnh miền núi. Do đó, các đơn vị giúp việc cho Đề án phải làm việc
với các tỉnh để trình Ban chỉ đạo Đề án danh sách những tỉnh miền núi
được đưa chương trình truyền hình thiết yếu lên vệ tinh khi thực hiện số
hóa truyền hình. Từ đó, xác định được danh sách các kênh truyền hình
địa phương sẽ số hóa bằng vệ tinh và có phương án hỗ trợ đầu thu truyền
hình số vệ tinh cho các hộ gia đình chính sách thuộc các địa phương này.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng
Chương trình viễn thông công ích đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt trong năm nay. Theo dự thảo của Chương trình này, Nhà nước sẽ
chi hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho 6 hạng mục của Đề án
số hóa truyền hình, đó là: Hỗ trợ đầu thu cho các đối tượng gia đình
chính sách; Hỗ trợ máy phát hình số mặt đất cho các tỉnh miền núi; Hỗ
trợ cho các đài PT-TH các tỉnh miền núi đưa nội dung lên vệ tinh
VINASAT; Hỗ trợ các đài truyền hình địa phương chuyển đổi tần số phục
cho số hóa truyền hình và hỗ trợ đề án điều tra phương thức thu xem của
người dân.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, khi
triển khai số hóa truyền hình các địa phương phải chuyển đổi kênh tần số
truyền hình mặt đất. Tính đến nay, hầu hết các đài PT-TH địa phương đã
xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi kênh tần số. Tuy nhiên, Đài PT-TH
Long An và Bạc Liêu đã có kiến nghị Bộ TT&TT hỗ trợ kinh phí thực
hiện chuyển đổi kênh tần số. Chi phí chuyển đổi của mỗi đơn vị khoảng
trên 1 tỷ đồng.
Đối với vấn đề cung cấp đầu thu truyền hình số (STB), hiện nay các
doanh nghiệp trong nước như VTV, VTC, Hanel đều có khả năng cung ứng sản
phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, đợt kiểm tra, kiểm soát thiết bị thu
truyền hình số mặt đất mới đây của Bộ TT&TT cho thấy, thị trường
tivi số DVB-T2 có nhiều chủng loại, chất lượng tốt, giá cả phù hợp.
Ngược lại các sản phẩm STB lại có rất ít, chủ yếu là STB trôi nổi nhập
khẩu từ Trung Quốc, chưa được kiểm định về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ
thuật.
Dự kiến, số hóa truyền hình sẽ tạo ra một thị trường STB khoảng 10
triệu chiếc từ nay đến năm 2020 (xấp xỉ 350 triệu USD). Nhưng thực tế
các doanh nghiệp trong nước không mặn mà với việc sản xuất hàng loạt để
cung cấp ra thị trường bởi sợ không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo, cần sớm xây dựng cơ chế để đặt hàng
các doanh nghiệp trong nước sản xuất STB cung cấp cho các đối tượng gia
đình chính sách sẽ được nhà nước hỗ trợ STB. Việc đặt hàng nhằm mục đích
kích cầu các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường này./.
Theo ICTnews