Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 28/11/2010 22:54'(GMT+7)

Hoa Atisô có chữa được “bách bệnh” như quảng cáo?

Hoa Atisô được bán rất đắt hàng

Hiện nay tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội bán loại hoa này, giá từ 12- 15 nghìn đồng /kg. Theo quảng cáo của người bán: "Hoa có thể chữa bách bệnh", nhiều người đã không ngần ngại mua hàng chục kg về chế biến sirô, mứt... để mong chữa được bệnh.

Chị Lê Mai Vân (Hồng Mai, Hà Nội) cho biết: "Hai năm nay, cứ đến mùa hoa Atisô đỏ, tôi lại mua 15- 20kg về ngâm thành sirô pha để uống trong mùa hè. Từ đầu mùa đến giờ, tôi đã mua 60kg về chế biến giúp mấy người họ hàng.

Chẳng biết công dụng chữa bệnh có như người bán nói hay không, nhưng loại sirô từ hoa Atisô rất thơm, ngon và có cảm giác mát". Chị Vân bảo rằng: "Tôi nghe nói, bên Gia Lâm có một đại lý chuyên bán hoa này, hoa được chuyển từ Đà Lạt ra, chất lượng tốt hơn hoa ngoài Bắc".

Chị Vân kể, năm 2009, có một người bạn làm ở một công ty mỹ phẩm giới thiệu, công ty chị có bán loại hoa này và đưa cho chị một tờ rơi nói về công dụng của hoa "có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ tế bào gan ở những bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, chủ yếu là men gan. Nói chung là chữa...bách bệnh". Tin vào những công dụng thần kỳ đó, chị Vân đã theo đuổi loại hoa này từ đó đến nay.

Một lần, tôi tìm đến hàng chị Thanh ở khu chợ Mơ hỏi mua hoa Atisô đỏ về làm nước sirô bắt gặp 3 người phụ nữ cũng đang mua loại hoa này. Khi được hỏi họ đều trả lời: "Hoa này rất tốt, uống ngon, mát lại rẻ". Chị Thanh bảo rằng: "Loại hoa này đắt hàng lắm, nhiều khi phải đặt hàng trước". Tôi hỏi: "Hoa này hiếm thế hả chị? " Chị Thanh đon đó: "Hàng được chuyển từ Đà Lạt ra đấy, chữa được nhiều bệnh gan, tuỵ, xương, khớp đủ cả.  Mua bao nhiêu cũng có”.

Không dừng lại ở việc quảng cáo sản phẩm, chị Thanh còn bật mí "công đoạn" làm sirô cho khách hàng. "Tuyệt đối không để hoa dính nước lã vào. Cho vào lọ thuỷ tinh là tốt nhất, đậy kín, ngày hôm sau đã bắt đầu ngấm. Ba ngày là nước siro đã khá đậm nét. Hai tuần sau dùng là ngon lắm rồi". Ngâm sirô hoa Atisô có nhiều cách, ngâm riêng cánh hoa và đài hoa. Cánh hoa ngâm lấy nước sirô, còn đài hoa thì không ngâm chung vì đài hoa phai màu không đẹp, lại có lông tơ nên cần phơi khô đi rồi mới pha riêng như nước chè.

Theo tìm hiểu của PV, hoa Atisô được nhiều người tìm mua và bán rất chạy, nhưng lợi dụng việc người mua chuộng loại hoa này, người bán trộn lẫn hoa kém chất lượng (hoa để lâu, được bảo quản...) bán ra thị trường.

Tác dụng đến đâu?

Theo tìm hiểu của PV, chỉ riêng tên gọi của hoa cũng được gọi bằng nhiều cách và chưa được rõ ràng lắm. Gần như 100% người bán hàng ở ngoài Bắc mời chào mua với tên gọi "hoa Atisô".

Các nhà khoa học cho biết, loại hoa này được gọi là Hibiscus (họ bông), trong nước gọi là hoa bụt giấm, bụt chua - cây dược liệu quý có tính sinh dược học cao, các hàm lượng vitamin A, B1, C, D, E, F cao và nhiều axít hữu cơ khác. Các chất đó có tác dụng chống viêm, nhiễm, kháng nấm, kháng khuẩn, tăng cường chức năng tiêu hoá. Hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, nâng đỡ chức năng gan, mật. Giảm cholesterol và Triglyceril trong máu, hạn chế sự béo phì do tích mỡ trong máu, bảo vệ thành mạch.

Một số nhà nghiên cứu đã xác định tính chống co thắt, hạ huyết áp. Chất Flavonoid và Cyanidin có trong đài quả Hibiscus không những bảo vệ thành mạch máu mà còn có tính chống sự oxy hoá (già hoá) của cơ thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư... Một số nhà nghiên cứu đã xác định tính chống co thắt, hạ huyết áp, kháng khuẩn, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, chống lão hoá, chống mệt mỏi của Hibiscus.

Một số tài liệu cho thấy, năm 1998-1999, GS Trần Thuý - Viện trưởng Viện Y học dân tộc cổ truyền đã nghiên cứu các chế phẩm từ Hibiscus để điều trị cho bệnh nhân của Viện. Qua nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tiến hành 7 năm, loại hoa này có thể được ứng dụng trong một số lĩnh vực: Đài quả (sản phẩm chính của cây) có thể được chế biến thành nhiều loại thực phẩm như: trà nhúng, rượu vang, xirô, ômai, mứt.

Ngoài ra các bộ phận khác của cây cũng được sử dụng triệt để trong đời sống hàng ngày: Lá, hoa, đài quả sử dụng để ăn sống, nấu canh chua, kho cá, giảm sốt, hạ nhiệt. Hạt dùng ép dầu ăn và chăn nuôi gia súc (thành phần dầu tương đương dầu chiết xuất từ hạt hướng dương) sản phẩm phụ sau khi ép dầu dùng làm phân bón cho cây trồng.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, để khai thác những tác dụng của hoa Atisô cần có quá trình chế biến đảm bảo mới có được những tác dụng như mong muốn, nếu không sẽ có tác dụng ngược lại.    

(Theo: Đời sống và pháp luật)                                      

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất