Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 2/6/2009 18:1'(GMT+7)

Hoài Nhơn: nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền cấp huyện và xã

Festival Tây Sơn - Bình Định 2008

Festival Tây Sơn - Bình Định 2008

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn, mang ý nghĩa nhân sinh tác động tích cực đến quần chúng nhân dân. Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, điều thiết yếu cần phải có sự quán triệt, truyền đạt rộng rãi đến mọi giai tầng trong xã hội, ở đây chủ đạo trực tiếp là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và xã, thị trấn còn khá nhiều điều đáng bàn.

Theo thống kê, tại cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên chiếm tỷ lệ 20,3% tổng số cán bộ lãnh đạo các cơ quan, phòng, ban trực thuộc; ở xã chiếm tỷ lệ 17%. Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện chủ yếu gồm các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng, Phó Ban Tuyên giáo, Trung tâm chính trị và một số lãnh đạo hội, đoàn thể. Ở cấp xã, đội ngũ này bó gọn hơn với trách nhiệm thiên về đồng chí Bí thư Đảng ủy, cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy. Tính trung bình trong 01 năm, cấp huyện và xã, thị trấn phải tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, …khoảng từ 17 - 20 lần (chưa kể số lần quán triệt ra quân, dân, chính ở cấp thôn, khối và những buổi sinh hoạt thời sự hàng tháng, hàng quý, …). Đặc biệt, ở những huyện có đông đảng viên, công chức, người lao động như Hoài Nhơn thì việc tổ chức các buổi quán triệt còn cao hơn.

Thực tế cho thấy, ngoài việc phải quán triệt NQ, chủ trương, thông tin thời sự tại cấp huyện phải do các đồng chí cán bộ lãnh đạo Huyện ủy được phân công báo cáo, nhiều Đảng bộ xã, thị trấn hay ngành giáo dục cũng mời các đồng chí trên (thường tập trung vào cán bộ tuyên giáo huyện) đến tại đơn vị để báo cáo cho Đảng bộ mình, mặc dù cán bộ lãnh đạo của những tổ chức Đảng trên cũng đã được quán triệt trong lớp dành cho cán bộ chủ chốt. Vì vậy, tình trạng quá tải, chồng chéo và bỏ sót nội dung văn bản là điều không thể tránh khỏi.

Một nghịch lý nữa trong những năm gần đây ở phía đội ngũ báo cáo viên là chất lượng truyền đạt, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, quần chúng rất hạn chế. Một số đồng chí lãnh đạo hội, đoàn thể cấp huyện một phần vì tuổi cao, một phần vì năng lực, chưa lĩnh hội đầy đủ tinh thần từ những chủ trương của trên, nên đứng trên diễn đàn khá lúng túng, có đồng chí nói ấp a, ấp úng. Nhiều trường hợp liên hệ …nhầm, gây cười, mất tính nghiêm túc trong buổi học. Một số đồng chí đứng trước diễn đàn lại hay … nói về bản thân mình hơn là nói vấn đề trọng tâm. Do đó, nhiều buổi học trở nên tẻ nhạt, nhàm chán và không thể truyền đạt đến người nghe những vấn đề cần thiết. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng ngồi nghe bên dưới tỏ ra khá chán nản với cách trình bày của báo cáo viên, một phần vì cả nể cán bộ báo cáo là người lớn tuổi, có chức vụ, một phần vì đây là sự phản ảnh một chiều…

Ở cấp xã, thị trấn, tình trạng này còn nhiều điều đáng bàn hơn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vừa thiếu lại rất ít tích cực, thường chỉ do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp báo cáo. Thời gian tổ chức những buổi tuyên truyền, báo cáo ra quân dân chính, nơi các trụ sở thôn thường vào ban đêm mới có thể tập hợp được mọi người đến nghe. Mà thời gian này khó quản lý chặt chẽ được số lượng người nghe, chỉ riêng khâu ổn định bà con nhiều nơi phải tốn rất nhiều thời gian, có khi gần cả một giờ đồng hồ. Thực tế cho thấy, một số đồng chí được phân công báo cáo tại cơ sở thôn, xóm nói ít lưu loát, nói huyên thuyên mà không đi vào trọng tâm khiến bà con không mấy mặn mà, chăm chú, chỉ nghe cho hết buổi. Một số đồng chí lại nói qua loa, chiếu lệ rồi lại đi vào sinh hoạt chuyện thôn, xóm khiến buổi tuyên truyền không đạt chất lượng, nghị quyết, chủ trương khó có thể đi vào lòng dân sâu sắc được.

Trong các báo cáo của cơ quan chức năng về số lượng cán bộ, đảng viên, người lao động và quần chúng nhân dân, con số này chiếm tỷ lệ khá cao (thường trên 90%) nhưng thực tế con số này thấp hơn nhiều, nhất là tỷ lệ người nghe ở xã, thôn.

Thiết nghĩ, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở là rất cần thiết, là một mấu chốt quan trọng để nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đi vào lòng dân, vào sinh hoạt đời thường nhân dân và nhờ đó mới được thực thi hiệu quả. Một mặt, các cấp ủy, chính quyền cần trau dồi thêm kỹ năng của những cán bộ đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đã qua đấu tranh cách mạng, tinh giản những cán bộ năng lực chuyên môn yếu, khả năng truyền đạt kém, mặt khác cần mạnh dạn đào tạo và “thử lửa” những cán bộ trẻ có năng lực thật sự, không rụt rè khi đứng trên diễn đàn, trước công chúng.

Nguyễn Lê Anh Tuấn
(Văn phòng Huyện uỷ Hoài Nhơn, Bình Định)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất