Chiến tranh giờ đã lùi xa hơn 30 năm. Vết thương do chiến tranh để lại đã lành dần theo năm tháng, nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần vẫn chưa nguôi đối với hàng vạn gia đình Việt Nam là nạn nhân của việc đế quốc Mỹ sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học và khoảng 3 triệu nạn nhân. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 600.000 người là nạn nhân thuộc đối tượng tham gia kháng chiến và con cháu họ được hưởng chế độ trợ cấp.
Hàng vạn người do bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh đã bị ung thư và các bệnh nan y, nay đã chết.
Hàng triệu người và cả con, cháu họ bị dị dạng, dị tật đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc hóa học gây ra. Nhiều gia đình có từ 2 đến 4 người bị mắc bệnh do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Những gia đình đó vừa đau khổ về tinh thần, vừa thiếu thốn về vật chất, không có lao động. Bởi vậy, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ ở nước ta hiện nay.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan tâm chăm lo đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Hằng năm, Nhà nước đã chi khoảng 800 tỉ đồng cho việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học.
Việc ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong xã hội nước ta ngày càng được đẩy mạnh và trở thành phong trào rộng khắp. Các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức giúp đỡ nạn nhân cả về vật chất và tinh thần.
Đến giữa năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã nhận được hơn 90 tỉ đồng. Từ nguồn tài trợ trên, Hội đã tập trung giúp đỡ nạn nhân đặc biệt khó khăn sửa chữa, làm nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, thăm hỏi nhân dịp các ngày lễ, Tết. Sự ủng hộ tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân đã góp phần giúp cho cuộc sống nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ổn định hơn, động viên họ vượt lên khó khăn hòa nhập cộng đồng.
Để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Chính phủ nghiên cứu xác định rõ điều kiện hưởng trợ cấp của người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời nâng mức trợ cấp, ưu đãi đối với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin (tương đương với thương binh, bệnh binh). Người hoạt động kháng chiến có cháu (F2) bị nhiễm chất độc hóa học, được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân và xem xét các trường hợp nhập ngũ sau 30-4-1975, hoạt động ở vùng có hàm lượng đi-ô-xin cao (vùng điểm nóng)…
Hội cũng đề nghị Quốc hội và Nhà nước tiến hành tổng điều tra số nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trên toàn quốc để nắm chắc tình hình; nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh được hưởng chính sách như thương binh, con, cháu của họ được hưởng chế độ trợ cấp; có chế độ chính sách đối với người hoạt động ở vùng có bị rải chất độc hóa học từ sau 30-4-1975 đến nay, đặc biệt là vùng điểm nóng; nghiên cứu có chính sách trợ cấp nạn nhân là dân thường sinh sống trong vùng địch sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin…
Cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam là một cuộc đấu tranh mang tầm quốc tế. Ảnh hưởng và tiếng vang của cuộc đấu tranh này đã lan đến rất nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Mỹ. Hiện tại, phía Mỹ chưa thừa nhận về tính pháp lý nhưng dưới tác động của công luận, Quốc hội và chính quyền Mỹ đã phần nào hiểu ra trách nhiệm của họ và đã có những động thái thể hiện sự quan tâm đối với việc tham gia khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do họ gây ra ở Việt Nam.
Đảng, Nhà nước đang ngày càng có những chủ trương về khắc phục hậu quả sau chiến tranh trong đó có hậu quả của chiến tranh hóa học. Nhưng chúng ta chưa nhận thức hết tính phức tạp và tác hại nghiêm trọng của loại vũ khí hóa học.
Chính sách hiện hành cần phải được hoàn thiện hơn, đặc biệt là chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần, thiếu thốn về vật chất; Đời sống của nhiều gia đình nạn nhân còn rất khó khăn, đói nghèo triền miên. Vì vậy, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách của Nhà nước sớm nghiên cứu, hoàn thiện chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con cháu của họ và nhân dân ở vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học./.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam