Tọa đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức đã diễn ra hôm 26-2, tại Hà Nội. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự và phát biểu ý kiến tại cuộc tọa đàm.
Sau hơn 30 năm chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực; là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thành tích vượt trội trong công tác giảm nghèo; nền kinh tế có độ mở cao; là nơi thu hút đầu tư FDI hàng đầu trong khu vực; đời sống của đại bộ phận người dân có cải thiện… Tuy nhiên, cho đến hiện nay, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới; khoảng cách phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa; nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế ngày càng rõ nét; những thách thức về tăng trưởng và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn.
Mặc dù năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, chất lượng tăng trưởng đã có chuyển biến nhưng cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Doanh nghiêp (DN) thuộc khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản phát triển, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn còn những tồn tại liên quan đến hiệu quả còn chưa tương xứng với nguồn lực và ưu đãi của Nhà nước.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế. Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế kinh tế thị trường mà cụ thể là bộ luật chưa có sự công bằng giữa DN nhà nước (DNNN) và DN tư nhân. Môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng, dù đã cải cách rất nhiều. Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào sự vận hành của DN. Tuy nhiên, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, các DN phải nhận biết thế giới đang chuyển mình ghê gớm từ cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ sang Cách mạng tri thức, trí tuệ nhân tạo. Sự thay đổi nhanh chóng và không tưởng này đã khiến cho các quốc gia không phải cạnh tranh giành giật khoáng sản, tài nguyên nữa mà là cạnh tranh giành giật trí tuệ. Nhân tài Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn, đây là tổn thất. Nếu chúng ta không nhận thức sớm, bảo vệ và phát huy các tài nguyên trí tuệ thì chính DN của chúng ta sẽ tụt hậu. Trong bối cảnh đó, là tập đoàn kinh tế (TĐKT) lớn cần chủ động tập trung đầu tư cho con người, cho công nghệ, văn hóa phi vật thể nhiều hơn.
GS Lê Du Phong, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, các TĐKT nhà nước dù nắm những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, được nhà nước đầu tư mọi thứ, được ưu tiên nhiều phương diện, nhưng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh lại thấp, có tập đoàn còn lỗ nặng. Vì vậy, về phía Nhà nước cần phải hoàn thiện hệ thống luật pháp về kinh tế theo hướng đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ và hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra môi trường pháp lý thực sự thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là cho các TĐKT hoạt động và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Tiếp tục rà soát và kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhiêu khê ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Nhân Dân