“Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Có thể nói, vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế đang là mối quan tâm hàng đầu của người đứng đầu Chính phủ, đó cũng là mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, các doanh nhân và đông đảo người dân hiện nay.
Thể chế kinh tế là hệ thống những quy phạm pháp luật, chính sách nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Thể chế kinh tế bao gồm các yếu tố chủ yếu là các đạo luật, các quy định, quy tắc, các chế tài xử lý vi phạm, các cơ chế vận hành nền kinh tế.
Thể chế kinh tế tác động lớn đến sự lựa chọn và việc quyết định sản xuất cái gì, đầu tư như thế nào vào lĩnh vực nào, ở đâu... của các chủ thể kinh tế, vì thế thể chế kinh tế có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế. Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Với sự ra đời của Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội vẫn còn không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Vì vậy, để đất nước phát triển bền vững, một trong những giải pháp cấp bách lúc này là phải cải cách, hoàn thiện thể chế về kinh tế. Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế. Thế nhưng, để đưa Hiến pháp mới vào cuộc sống, sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định của Hiến pháp mới, xây dựng bộ máy hành chính hiệu quả, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ, công chức...
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng lĩnh vực, thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, tạo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây được coi là bước đột phá trong cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế ở nước ta. Người dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự đột phá này./.
Hằng Nga (QĐND)