Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 14/9/2011 16:40'(GMT+7)

Hoạt động lễ hội ở Đồng Tháp

Mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc- Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đồng Tháp.

Mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc- Thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đồng Tháp.

Đồng Tháp có 124 lễ hội, có 91 đình, 20 miếu, trong đó có 72 đình và 5 miếu được tổ chức lễ hội hàng năm. Đa phần các lễ hội ở tỉnh là lễ hội dân gian, truyền thống và tôn giáo. Bên cạnh đó, Lễ hội Giao thừa mừng Đảng - mừng Xuân, Lễ hội Văn hoá Xuân, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ Nguyễn Quang Diêu... hàng năm cũng đã trở thành những lễ hội quan trọng không thể thiếu ở địa phương, được tỉnh đầu tư tổ chức long trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Thông qua các lễ hội, những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền, quảng bá, không chỉ làm thoả mãn đời sống tâm linh, tạo khí thế vui tươi, thoải mái cho người dân, mà còn góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tình cảm cộng đồng.

Thời gian gần đây, tại một số lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm. Bên cạnh việc mở rộng một cách tràn lan quy mô một số lễ hội, trách nhiệm của người quản lý và ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế dẫn đến thái độ và hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong một số lễ hội, là việc các hiện tượng mê tín dị đoan, xâm phạm cảnh quan môi trường, an ninh trật tự không đảm bảo, thương mại hóa lễ hội gia tăng…. Thực trạng này đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương về nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND tỉnh đã thực hiện nhất quán từng yêu cầu đề ra trên cơ sở phân công trách nhiệm, chỉ đạo chặt chẽ công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cơ quan, đơn vị chủ trì và tham mưu tổ chức lễ hội, nhất là Uỷ ban nhân dân các cấp, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung từng chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội; việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội,.v.v.. được chú trọng thực hiện đã góp phần ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan, đặt lễ, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ,...

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, dự án chống xuống cấp di tích cũng đạt được những kết quả to lớn. Công tác xã hội hoá hoạt động bảo tàng, di tích đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn, phục vụ công tác trưng bày, công tác bảo vệ và tu bổ di tích. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và 47 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, trong đó, các di tích được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị, trở thành những điểm du lịch - văn hoá đặc thù. Kết hợp cùng những danh thắng của tỉnh, những di tích lịch sử - văn hóa tạo thành những tuyến du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương phát triển, đồng thời, từng bước mang lại cho cộng đồng dân cư những lợi ích vật chất, tạo điều kiện để mọi người dân cùng chung sức bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Phạm Ngọc Hân – Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất