Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, sự tham
gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu, năm
2019 với hai Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng
lớn công việc trên cả 3 nội dung lập pháp, giám sát và quyết định các
vấn đề quan trọng của đất nước.
TRÁCH NHIỆM TRƯỚC NHÂN DÂN
Năm 2019 khép lại với niềm hân hoan khi đây tiếp tục là năm thứ 2
liên tiếp cả nước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7
chỉ tiêu vượt kế hoạch do Quốc hội đề ra.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới.
Từ đường hướng Trung ương đưa ra, Quốc hội với trách nhiệm cao nhất
đã cụ thể hóa các chỉ tiêu kinh tế-xã hội sát hợp thực tế, là căn cứ để
hoàn thành toàn bộ kế hoạch đề ra.
Thành quả phấn khởi này có được là nhờ sự nỗ lực, đồng tâm từ Trung
ương tới địa phương, của các bộ, ngành, trong đó có những đóng góp quan
trọng của Quốc hội, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm
tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh
nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Trong năm, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với
đồng bào dân tộc thiểu số cả nước đã được cụ thể hóa bằng việc Quốc hội
phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi.
Đề án được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, gửi gắm trong đó những
tâm tư, mong muốn của đại biểu Quốc hội, của nhân dân trong việc tạo
điều kiện để miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó
khăn có cuộc sống ấm no, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng
phát triển, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn...
Đánh giá cao Đề án này, đại biểu Quốc hội Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm
Đình Cúc cho biết các đại biểu Quốc hội hết mình ủng hộ vì sự phát triển
của đồng bào dân tộc, miền núi.
Thời gian tới cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, tạo mọi nguồn lực từ
ngân sách, huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển
vùng đồng bào các dân tộc thiểu số "để đời sống đồng bào ngày càng được
nâng cao, ngang bằng với một số vùng đồng bằng".
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết. (Ảnh: TTXVN)
ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Năm 2019, với tinh thần trách nhiệm cao, trong hai kỳ họp thứ 7 và 8,
Quốc hội đã thông qua 18 Luật, Bộ luật. Đây là hành lang pháp lý quan
trọng và là căn cứ, cơ sở cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Nghị trường năm 2019 đã "nóng" lên khi các dự án luật liên quan mật
thiết tới đời sống như Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng chống tác hại
của rượu bia; Bộ luật Lao động (sửa đổi)... được góp ý, tranh luận
trách nhiệm trước khi Quốc hội đồng thuận thông qua với tỷ lệ tán thành
cao.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có lẽ là dự luật được người dân trông chờ
nhất bởi những quy định liên quan mật thiết tới người lao động và có tác
động sâu rộng tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Xác định tầm quan trọng của Bộ luật, Quốc hội đã rất thận trọng, cho ý
kiến 3 lần trước khi biểu quyết thông qua. Một nội dung được cử tri và
nhân dân đặc biệt quan tâm đó là quy định về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều
kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, cứ mỗi năm tuổi
nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với
lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60
tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, quy
định này đã thể hiện quan điểm “đón đầu” thách thức già hóa dân số cũng
như giải quyết một mục tiêu bao trùm là vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế
vừa bảo đảm tăng trưởng xã hội.
Các nội dung được Quốc hội giám sát trong năm 2019 đều là những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét báo cáo giám sát chuyên đề việc
thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai
tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Đây là lĩnh vực "nhạy cảm", đặc biệt trước những vấn đề về quản lý,
sử dụng đất đai thời gian qua. Kết quả giám sát đã cung cấp những thông
tin tổng hợp, đưa ra bức tranh tổng thể để từ đó các nhà hoạch định
chính sách, các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách
phù hợp, qua đó nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực đất đai.
Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc
thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn
2014-2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng
cháy, chữa cháy.
Từ những đánh giá sâu sắc, Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp
trọng tâm yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện trong thời gian tới để
huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và toàn dân tham gia phòng
cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho
nhân dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt của mỗi Kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông
đảo cử tri, nhân dân cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được
kéo dài từ hai ngày rưỡi (tại kỳ thứ 7) sang ba ngày (tại kỳ thứ 8) đã
giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành,
giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử
tri.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá qua phiên chất vấn và
trả lời chất vấn cho thấy, sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo điều
hành cũng như trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội,
trước cử tri, trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội
tại nghị trường. Không khí cởi mở, dân chủ, đổi mới và tính chuyên
nghiệp ngày càng cao trong hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm
theo dõi của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước.
Các kỳ họp trong năm 2019 của Quốc hội lần đầu tiên áp dụng “trí tuệ
nhân tạo”, đó là phần mềm giúp chuyển tiếng nói thành chữ chạy trên màn
hình của chủ tọa đã giúp việc điều hành chính xác hơn.
“Trước đây ghi câu hỏi có thể sót. Với phần mềm này, các câu hỏi của
đại biểu đều được hiển thị. Bộ trưởng có quên, Chủ tịch Quốc hội cũng
nhắc nhở. Vì thế, phần trả lời chất vấn rất đầy đủ”, Tổng Thư ký Quốc
hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội bắt đầu sử dụng phần mềm hỗ trợ đại
biểu. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, với phần mềm này, đại biểu Quốc hội
được cung cấp thông tin về các nội dung đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội
một cách nhanh chóng, kịp thời, giảm dần việc cung cấp tài liệu giấy để
các đại biểu không còn phải “ôm” cả chồng tài liệu dày cộp vào các
phiên họp.
Đồng thời, phần mềm này cung cấp cho đại biểu hệ thống dữ liệu thông
tin phong phú, đa chiều, có thể tra cứu thuận tiện và nhanh chóng, qua
đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc
hội và Quốc hội.
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năm 2019, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn.
Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật,
các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước,
thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của
nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả
nước./.
Quỳnh Hoa (TTXVN)