Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris ngày 9/11, nhiều chuyên gia nghiên cứu quốc tế khẳng định rằng các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn phi lý, không dựa trên bất cứ một cơ sở pháp lý hay lịch sử nào.
Tướng hai sao Daniel Schaeffer, học giả nổi tiếng người Pháp, nhận định Trung Quốc diễn giải luật biển quốc tế theo cách của họ và những lập luận này hết sức phi lý. Theo ông, Bắc Kinh đã "cố tình vi phạm hoặc tìm cách lách luật pháp quốc tế.”
Ông khẳng định từ trước đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra được các bằng chứng lịch sử cụ thể về việc họ thực thi quản lý liên tục các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước khi Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị nước này chiếm đóng trái phép.
Theo học giả này, trên thực tế Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực và điều này trái với Hiến chương Liên hợp quốc.
Tướng Shaeffer cũng đánh giá cao lập trường của Việt Nam liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông trước Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA).
Ông nhấn mạnh "với việc gửi tới PCA Tuyên bố quan tâm (Statement of interest ) vào tháng 12/2014, Việt Nam đã cung cấp cho thiết chế trọng tài này những yếu tố bổ sung, cho phép họ có thể xem xét với sự chính xác hơn ngoài những yếu tố mà Philippines và Trung Quốc đưa ra.”
Học giả này nêu rõ việc “đường chín đoạn” bị vô hiệu hóa không chỉ có lợi cho các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là Biển Đông là vùng biển mở quốc tế, cho phép tự do lưu thông hàng hải. Nó cũng mở ra triển vọng giải quyết tranh chấp trong khu vực, phân định chủ quyền của từng nước.
Tương tự, Chuyên gia Bruno Hellendorff, phụ trách chương trình Thái Bình Dương của Nhóm Nghiên cứu về hòa bình và an ninh (GRIP) có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cũng đánh giá cao việc Việt Nam tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo về Biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt là giới học giả và lãnh đạo Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận quốc tế về Biển Đông thông qua các cuộc hội thảo hàng năm hay công bố các nghiên cứu, tham luận trên các diễn đàn thế giới.
Trong khi đó, giáo sư Éric Mottet của Đại học Québec tại Montréal (Canada), đồng thời là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC), cho rằng “từ năm 2012, các tín hiệu Trung Quốc phát ra rất mâu thuẫn. Một mặt, họ tiến hành chính sách ngoại giao song phương tăng cường các trao đổi hữu nghị (nhất là kinh tế) với Việt Nam trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, mặt khác lại có thái độ hung hăng, nhất là đối với các vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa."
Theo ông, Việt Nam cần thúc đẩy sáng kiến kết cấu đa cực cho khu vực, tăng cường đoàn kết nội khối để xây dựng mối quan hệ đối tác xây dựng và có lợi cho tất cả các bên./.
Theo TTXVN