Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 12/1/2014 16:57'(GMT+7)

Học tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khởi nghiệp

Chiều 11/1, tại hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội, dưới sự điều hành của Vietnam New Media Group cùng sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý CFVG và Alphabooks, chương trình Leader Talk 3 đã diễn ra thành công, thu hút hàng trăm sinh viên, các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, các chủ doanh nghiệp đến tham dự chương trình.

Cạnh tranh toàn cầu và khu vực

Mở đầu chương trình, các khách mời đã điểm qua bức tranh kinh tế toàn cầu và khu vực trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đặc biệt là những thời cơ và khó khăn khi Việt Nam xúc tiến gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP. Được đánh giá là Hiệp định mẫu mực của thế kỷ XXI, việc gia nhập TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cho Việt Nam những bước hội nhập sâu và rộng hơn đối với kinh tế thế giới, nhất là tại “sân chơi” này, Việt Nam sẽ không gặp phải sự cạnh tranh của các đối thủ truyền thống tại châu Á – những quốc gia có những mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với nước ta, có triển vọng lớn về xuất khẩu nông sản, hàng chế biến,…cũng như có cơ hội hợp tác và học hỏi và trưởng thành từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cùng với những thời cơ lớn đó, Việt Nam cũng sẽ gặp phải nhiều thách thức không nhỏ. Những yêu cầu cao hơn, sự minh bạch tuyệt đối đến từng giao dịch sẽ đòi hỏi sự thay đổi của nước ta về thể chế, hành chính, dân chủ và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ, dược phẩm, lao động trẻ em, tổ chức công đoàn,…

Bàn về tình hình kinh tế quốc gia với nhiều khó khăn khi có đến gần 61.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013, các khách mời nhận định vấn đề không hoàn toàn do khủng hoảng kinh tế thế giới, dù một thực tế rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện mức độ khủng hoảng dữ dội hơn cũng như chậm phục hồi hơn hẳn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Bên cạnh việc thay đổi kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh vốn là mục tiêu và phương hướng của chính phủ, các doanh nghiệp phải tự là “phao cứu sinh” cho chính mình và nền kinh tế bằng những thay đổi, cải cách đầy sáng tạo và khả thi của mình. TS. Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh rõ nét, “Sáng tạo, đổi mới là chìa khóa để cạnh tranh thành công.”

Hướng đi cho người khởi nghiệp

Trong khuôn khổ chương trình, khán giả tham dự đã được lắng nghe ý kiến của những diễn giả - chuyên gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam về khởi nghiệp và những lời chia sẻ rất chân thành. Theo bà Phạm Chi Lan, để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, các chủ doanh nghiệp trẻ phải tránh xa cách kinh doanh chộp giật, chạy theo phong trào, thu được lợi ích trước mắt song nhanh chóng thất bại trước những thay đổi của thị trường.

Thay vào đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận trải qua thử thách, chủ động tiếp cận phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và đổi mới công nghệ, để tự mình tìm ra con đường phát triển.

Đây cũng là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa khi ông cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp thất bại trong năm 2013 vừa qua là các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động và không chịu bỏ chi phí đổi mới do ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật.

TS. Lê Đăng Doanh, với câu chuyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thể hiện niềm tin đối với sức trẻ của các doanh nghiệp “tân binh” trong cuộc chiến mới trên thương trường.

Nhất trí với quan điểm không kinh doanh theo phong trào, ông đặc biệt nhấn mạnh sự mạnh dạn và khả năng tự chủ của mỗi doanh nghiệp, bởi theo ông, để thực hiện chiến lược “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của cố Đại tướng, các doanh nghiệp phải tập trung điều tra kỹ lưỡng thị trường, công nghệ, nguồn lao động, tích lũy kinh nghiệm từ các bài học nhỏ để dần vững mạnh và quan trọng nhất là “không được e dè, sợ hãi trước khó khăn.”.

Các diễn giả cũng mang đến cho khán giả những cách tiếp cận vấn đề, quan điểm mới mẻ trong điều kiện thế giới đang biến đổi từng ngày. Vạch ra phương hướng đúng đắn với tầm nhìn sâu rộng hơn, bao quát hơn thay cho tầm nhìn ngắn hạn cũng là một chìa khóa quan trọng để khởi nghiệp thành công.

Mà theo ông Trần Đình Thiên chia sẻ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, phải tự mình chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường thay vì trông mong sự giúp đỡ hay những thay đổi của công cuộc cải cách thể chế. Thiếu sự chủ động, doanh nghiệp sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và nhanh chóng thất bại.

Góc nhìn mới, tư duy mới

Cùng với những thời cơ mới khi nền kinh tế Việt Nam dần chuyển mình sang giai đoạn phục hồi và phát triển trở lại, những khó khăn, thách thức - đặc biệt là khi tiếp tục hội nhập sâu rộng và nền kinh tế toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng nếu mỗi doanh nghiệp thiếu đi sự tích cực và năng động của mình.

Các diễn giả đều nhất trí với nhận định cho rằng các doanh nghiệp trẻ của nước ta phải có tư duy mới với cách tiếp cận mới, góc nhìn mới về tình hình kinh tế thị trường. Không chỉ tuyệt đối tránh tâm thế bị động, “chờ sung rụng” mà phải tích cực tự mình khởi động, tự mình cứu mình bằng sự sáng tạo tự thân về khoa học công nghệ, về phương thức và xu thế kinh doanh mới.

Bàn về đổi mới, bà Phạm Chi Lan cũng gây ấn tượng sâu sắc bằng phần phát biểu quan điểm về “vốn” của doanh nghiệp. “Vốn quan trọng nhất chính là con người và tư duy của con người”, bà cho biết.

Không phải số tiền, cũng không phải máy móc đất đai mới là “nguồn vốn” mà quan trọng hơn, khả năng và trí tuệ của con người mới là nhân tố sống còn quyết định sự thành bại của công ty. Chỉ có những sáng tạo, ý chí vượt khó và đoàn kết của đội ngũ nhân sự vững vàng mới tạo nên sức mạnh và thành công cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức học hỏi và vươn lên – vốn ít được các bạn trẻ hiện nay quan tâm. Trước những câu hỏi của khán giả về cơ hội khởi nghiệp, cơ hội cạnh tranh và hình ảnh của lao động Việt Nam, từ các ví dụ thực tế, các diễn giả chỉ ra những điểm thiếu sót của người Việt trẻ và đưa ra những lời khuyên tích cực.

Không chỉ chủ động, sáng tạo và các doanh nghiệp trẻ còn rất cần học hỏi cũng như chia sẻ các kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, tích cực tiếp cận những thông tin tốt, cùng kết nối với các doanh nghiệp khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp và vươn xa ra khu vực và toàn thế giới.

Nhật Cao
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất