Dư luận mấy ngày gần đây xì xào về một quan chức đầu ngành quan trọng của một tỉnh có lý lịch chưa minh bạch về quá trình học trong quá khứ. Trong sự chưa minh bạch ấy có biểu hiện của sự “học xổi”.
Nói về sự học, ông cha ta đã đúc kết nhiều câu thành ngữ, tục ngữ giàu
ý nghĩa như: Học ăn, học nói, học gói, học mở; Ăn vóc học hay; Đi một
ngày đàng học một sàng khôn; Học hành vất vả, kết quả ngọt bùi; Hay học
thì sang, hay làm thì có...
Ngoài ra, người Việt cũng phê phán những kiểu học vẹt, học gạo, học
tủ. Học vẹt tức là học như con vẹt nói bắt chước người khác mà không
hiểu gì. Học gạo là một cách học nhồi nhét kiến thức, học thuộc được
nhiều cốt để giành điểm cao, thi đỗ. Học tủ là cách học lệch, học ít
nhưng lại mong muốn thi đúng vào câu hỏi đã học. Những năm gần đây,
trong xã hội còn xuất hiện hiện tượng “học xổi”.
“Xổi” có nghĩa là “tạm bợ trong thời gian ngắn” (ví như: Ăn xổi ở
thì) và “phất lên, nhanh lên một cách bất thường” (ví như: Giàu xổi).
“Học xổi” là một kiểu học "đi tắt đón đầu”, học ít mà vẫn có điểm
cao, ra trường đúng hạn, thậm chí có cả bằng tốt nghiệp loại giỏi. Người
học vẫn đến trường lớp “đánh trống, ghi tên” đầy đủ, vì một mặt, các cơ
sở đào tạo siết chặt công tác quản lý sĩ số, mặt khác, các trường ứng
dụng công nghệ để lấy vân tay, nhận dạng khuôn mặt học viên vào lớp lúc
đầu giờ nên khó ai có thể trốn tránh, nghỉ học thường xuyên.
Thế nhưng, không ít học viên nhờ khôn khéo giải quyết các mối quan hệ
ngầm với giáo viên, khoa đào tạo và bộ phận thanh tra giáo dục của nhà
trường nên họ chỉ đến học một, hai tiết đầu giờ rồi tự ý lặng lẽ... trốn
khỏi lớp. Thời nay, hầu hết các trường đào tạo theo hình thức tín chỉ
nên những người “học xổi” càng có cơ hội để rút ngắn thời gian học tập
trên lớp mà vẫn có đủ bài tập, tiểu luận nộp cho giáo viên. Đến ngày thi
hết môn thì mang tài liệu đến lớp để... chép bài!
Hiện tượng “học xổi” xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng thường thấy ở hình
thức học tại chức, học liên thông, các khóa đào tạo/bồi dưỡng từ 3 đến 6
tháng, các khóa đào tạo cao học chính quy không tập trung (thời gian
học trong hai ngày nghỉ cuối tuần).
Trong số những người “học xổi” có cả một bộ phận cán bộ, công chức,
viên chức. Trong khi một số người vừa phải học, vừa phải tham gia giải
quyết các công việc chung ở cơ quan nên ít nhiều chểnh mảng việc học
trên lớp, thì lại có nhiều người tự ý cắt xén thời gian học trên giảng
đường để giải quyết công việc cá nhân.
Hiện tượng “học xổi” có lý do sâu xa là nhiều tổ chức, cơ quan trong
bộ máy công quyền đòi hỏi chuẩn hóa bằng cấp nên một số công chức, viên
chức phải tìm mọi cách để theo các lớp/khóa đào tạo cấp tốc, nhằm có cơ
hội tồn tại, tiến thân.
Nhưng căn nguyên chủ yếu vẫn là thái độ, trách nhiệm, động cơ người
học chưa đúng đắn, chưa nghiêm túc học tập thực chất, thi thực chất để
có kết quả thực chất. Vì vậy mới dẫn tới thực trạng không ít người tuy
sở hữu nhiều bằng cấp (cử nhân, thạc sĩ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ
chuyên môn nghiệp vụ...) nhưng kết quả hoàn thành nhiệm vụ chỉ ở mức
thường thường bậc trung.
Thậm chí có trường hợp chỉ muốn “học xổi” để lấy nhiều bằng cấp cốt
làm đẹp hồ sơ lý lịch cá nhân, đánh bóng bản thân, chứ chưa mang lại lợi
ích đáng kể nào cho việc công và tập thể.
“Học xổi” là lối học thiếu nghiêm túc, thiếu căn cơ bền vững nên
người học khó có nền tảng kiến thức, trình độ thực chất. Đây là sự biến
tướng trong hoạt động giáo dục nên các cơ sở giáo dục không thể làm ngơ
với hiện tượng thiếu văn hóa này./.
Bảo Như (qdnd.vn)