(TG) - Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, ít ai biết rằng đây là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, tên tiếng anh: sudden infant death syndrome (SIDS) là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp xảy ra tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân ở trẻ dưới 1 năm tuổi. Vì thế, mọi trường hợp tử vong SIDS ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi luôn khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào đã gây ra cái chết ở trẻ. Do các liều vắc xin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vắc xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.
Khái niệm Hội chứng trẻ đột tử (SIDS)
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, SIDS là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, bất ngờ, không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước điều tra chuyên môn. Điều tra trên bao gồm thực hiện khám nghiệm tử thi, kiểm tra hiện trường và xem xét lại lịch sử lâm sàng của trẻ tử vong.
Các nhà chuyên môn xét một trường hợp khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong, bên cung cấp dịch vụ y tế, nhân viên thực thi pháp luật và các hội đồng công cộng liên quan đã nỗ lực thực hiện công tác điều tra tìm hiểu nguyên nhân những không tìm ra lý do vì sao, trường hợp này sẽ được gọi là Hội chứng trẻ đột tử. Các bác sĩ pháp y sẽ ghi vào hồ sơ, phần nguyên nhân tử vong là “Không xác định” (tiếng anh là “Unknow”).
Vấn đề và các nghiên cứu khoa học
Theo số liệu thống kê, tại Mỹ, hơn 2000 trẻ chết không rõ nguyên nhân trong năm 2010. 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi và xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh.
Các thống kê cho thấy, các bé nam gặp SIDS nhiều hơn các bé nữ, và dường như Hội chứng này có liên quan đến mùa trong năm, theo đó, mùa lạnh hơn trường hợp SIDS tăng cao hơn. Nghiên cứu khác cũng cho biết, người Mỹ Phi, người Mỹ gốc Ấn, gốc Alaska có tỉ lệ SIDS cao hơn người gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, gốc Á và gốc châu Âu.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra SIDS?
Cho đến nay, y học vẫn chưa biết rõ những nguyên nhân gây ra các trường hợp đột ngột tử vong ở trẻ dưới một tuổi, đặc biệt với các trường hợp trẻ đang có vẻ khỏe mạnh. Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu khoa học đã và đang nỗ lực hết mình để tìm ra nguyên nhân của SIDS.
Một số nghiên cứu cho thấy có trẻ tử vong đột ngột có một số dấu hiệu ở não bộ bất thường. Trong đó, hệ thống các tế bào thần kinh có vai trò kiểm soát nhịp thở, nhịp tim, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể nhận diện được những trẻ em có các dấu hiện nguy cơ. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục phát triển các nghiên cứu để quét não chuyên sâu nhằm giúp phát hiện sớm các trường hợp trên.
Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học tin rằng những phát hiện liên quan đến não bộ trẻ chưa thể giải thích đầy đủ nguyên nhân gây ra SIDS. Các bằng chứng cho thấy vẫn có những vấn đề khác liên quan và gây nên cái chết đột ngột của trẻ dưới 1 tuổi. Có quan điểm cho rằng có 3 nhân tố sau cùng lúc xảy ra sẽ có thể khiến trẻ tử vong: (1) Sức khỏe bẩm sinh vốn yếu; (2) Quá trình phát triển gặp khó khăn, xung đột; (3) Ảnh hưởng xấu do tác động từ môi trường bên ngoài. Khi cùng lúc trẻ gặp cả 3 vấn đề này, nguy cơ tử vong đột ngột là rất cao.
TG