Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 4/11/2008 13:1'(GMT+7)

Hồi ký văn học – tiềm năng và hạn chế

Thế mạnh của hồi ký văn học là nó cung cấp các tư liệu về người thật việc thật dưới hình thức nghệ thuật văn chương nhưng không hư cấu. Nhu cầu tìm hiểu các sự kiện có thật trong đời sống luôn là một trong những nhu cầu quan trọng của con người, nó có phần nào gần gũi với tính tò mò, một loại tính cách cố hữu của con người. Chính vì thế, trong mối tương quan với hình thức nghệ thuật, thì những nội dung thông tin của hồi ký bao giờ cũng được lưu tâm trước tiên.

Vì được coi là thể loại viết về người thật việc thật, cho nên hồi ký luôn khiến độc giả có xu hướng tin vào tính chân thực của các sự kiện được nhắc tới trong hồi ký. Thế nhưng không phải là độc giả sẽ quan tâm đến bất cứ loại thông tin sự thật nào, mà thường là người ta quan tấm đến những sự thật của và về những nhân vật và sự kiện nổi tiếng. Vì thế, thông thường hồi ký có hai loại:

1. Loại hồi ký do những người nổi tiếng và những nhân vật quan trọng viết về những sự kiện trong cuộc đời của họ hoặc về những sự kiện được họ chứng kiến, nhất là những sự kiện quan trọng.

2. Loại hồi ký do những người bình thường viết về những nhân vật và sự kiện quan trọng.

Nhìn chung, loại thứ nhất được thịnh hành hơn cả, bởi vì nói cho cùng, chỉ có những nhân vật quan trọng mới có được nhiều dịp làm nên và chứng kiến những sự kiện quan trọng, và người đọc thường tin vào những cuốn hồi ký của những người này hơn là vào những cuốn hồi ký của những người bình thường. Loại hồi ký của những người nổi tiếng có phần nào trùng với thể loại tiểu sử văn học, và nó đã xuất hiện từ thời cổ đại Hy Lạp. Ví dụ như cuốn hồi ký-tiểu sử của Xenophon (nhà văn và là nhà triết học người Hy Lạp, 430-355 trước CN) mang tên Những sự kiện đáng nhớ, hồi tưởng về cuộc đời của nhà triết học Socrates và biện minh cho nhà triết học này. Tác phẩm Liệt truyện đối chiếu của Plutarkh (cũng là nhà văn Hy Lạp, 50-125 sau CN) kể về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật nổi tiếng thời Hy Lạp-La Mã cổ đại, có so sánh giữa một số nhân vật theo từng cặp: một bên là một nhân vật thuộc nền văn hoá Hy Lạp, bên kia là một nhân vật thuộc nền văn hoá La Mã, hoặc ngược lại. Ví dụ ông đã so sánh nhân vật huyền thoại La Mã Romulus với nhân vật huyền thoại Hy Lạp Theseus, so sánh ông vua huyền thoại Lycurgos của xứ Arcadia thuộc Hy Lạp với ông vua huyền thoại Numa Pompilius của thành Roma, so sánh vị chính khách La Mã Fabius [Maximus Verrucosus] với vị chính khách và là vị tướng Hy Lạp nổi tiếng Pericles, giữa vị chính khách và là nhà hùng biện La Mã Cicero với vị chính khách và là nhà hùng biện Hy Lạp Demosthenes, giữa vị chính khách và là tướng La Mã [Marcus] Antonius với vua xứ Makêđônia thuộc thế giới Hy Lạp cổ đại Demetrios Đệ Nhất,...

Từ đó, thể loại hồi ký được kế tục và phát triển qua các thời kỳ. Ngày nay người ta hay nhắc đến cuốn Hồi ký của công tước Saint-Simon (nhà văn Pháp <1675-1755>, kể về giai đoạn lịch sử 1694-1723 của nước Pháp); cuốn Hồi ký từ bên kia nấm mồ của tử tước Chateaubriand (nhà văn Pháp, xuất bản sau khi ông mất, 1849-50); các cuốn hồi ký về cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ Hai của D. Eisenhower (tổng thống Mỹ), của tử tước thống chế Montgomery xứ Alamein (Anh Quốc), và của Charles de Gaulle (tổng thống Pháp). Ở nước ta cũng có những tập hồi ký có giá trị lịch sử và văn học như: Ngục Kôn Tum của Lê Văn Hiến, Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp, v.v...

Trong hồi ký thường có những sự kiện mang tính cá nhân, phi chính thức, cho nên nó thường gợi và đáp ứng trí tò mò của người đọc. Đó là điều làm cho hồi ký, cho dù cùng viết về các sự kiện lịch sử như chính sử, nhưng nó có được sức hấp dẫn nghệ thuật hơn chính sử. Và cũng là điều làm cho nó khác với các thể ký khác như bút ký, ký sự...

Hồi ký không hư cấu nhưng vẫn có tính nghệ thuật. Hiệu ứng nghệ thuật của nó được hình thành từ kỹ thuật bố cục, cấu trúc của tác phẩm, từ lời văn và nghệ thuật kể chuyện... Và mặc dù về cơ bản nó không cho phép hư cấu, nhưng người viết vẫn có thể thêm bớt các chi tiết phụ nếu như các chi tiết đó không làm sai lệch sự chân thực của các sự kiện. Trong tinh thần đó, tác giả có thể thêm bớt những chi tiết thuộc về ngoại cảnh, hoặc những chi tiết liên tưởng tự do có thể có liên quan hoặc không liên quan đến các sự kiện.

Vì hồi ký viết về người thật việc thật, nên có thể có nhiều người tưởng rằng viết hồi ký chẳng có gì là khó. Nhưng mấu chốt của vấn đề là ở chỗ chúng ta quan niệm thế nào là sự kiện chân thực trong hồi ký? Liên quan đến câu hỏi này tôi cho rằng có hai loại sự thật: một là sự thật khách quan và một là sự thật chủ quan. Sự thật khách quan hầu hết là những sự thật của thiên nhiên và xã hội diễn ra thật sự đúng như chúng ta chứng kiến. Còn sự thật chủ quan lại là những sự thật phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động chủ quan của con người mà chúng diễn ra nhiều khi không như chúng ta thấy.

Như thế thì một sự thật chủ quan chỉ có được khi suy nghĩ và hành động của một người có liên quan đến sự thật đó đã được hoàn tất. Ví dụ một người nào đó khi phát biểu về cùng một vấn đề, anh ta có thể phát biểu trong nhiều hoàn cảnh và với những mức độ khác nhau: anh ta có thể phát biểu ở quán nước, ở quán bia, phát biểu trong lúc say rượu, lúc tức giận, lúc đùa tếu với bạn bè, kể cả lúc tự tình..., và cuối cùng là phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi lần với một mức độ và sắc thái khác nhau. Thông thường thì những lời phát biểu ở quán nước, quán bia, bên bàn nhậu... có thể được gọi là những sự thật phi chính thức; còn những lời phát biểu công khai được coi là sự thật chính thức. Vậy người viết hồi ký về anh ta sẽ lấy câu phát biểu nào để chọn làm sự thật cuối cùng của anh ta về vấn đề đó? Nhất là khi người đó đã qua đời, không còn cho chúng ta có dịp để kiểm chứng và xác minh lại cái sự thật này.

Nhưng thực tế là “sự thật chính thức” lại không đồng nghĩa với “sự thật chân chính”. Khó có thể nói giữa sự thật chính thức với sự thật phi chính thức thì sự thật nào là “sự thật chân chính”? Khi một người đang trong quá trình nhận thức, thì “sự thật quán nước” có thể được coi là những “sự thật nháp” để cuối cùng anh ta đưa ra “sự thật chân chính” khi phát biểu công khai. Nhưng đối với một người phải chịu một sức ép, một sự áp chế hay một sự ràng buộc nào đó, thì sự thật quán nước đôi khi lại là sự thật chân chính, còn sự thật chính thức, công khai lại là sự thật giả mạo!

Thế nhưng, để gợi trí tò mò, có nhiều người viết hồi ký (chủ yếu là thuộc loại thứ hai) lại chỉ tập trung khai thác các “sự thật nháp” của các nhân vật trong hồi ký của mình. Bởi vì có thể anh ta nghĩ, viết hồi ký mà chỉ kể những chuyện chính thống và chính thức thì không còn là hồi ký nữa mà là chính sử rồi, và như thế thì thà anh ta đi viết sử còn hơn. Còn người đọc rộng rãi thì thường tò mò muốn biết về loại sự thật phi chính thống không công khai, mà ít quan tâm đến các sự kiện thuộc loại chính sử, vì thông tin chính sử thì ai cũng biết rồi. Đáng tiếc là người viết hồi ký không phải lúc nào cũng có đủ phương tiện để kiểm chứng xem loại “sự thật quán nước” kia có phải là sự thật chân chính không, hay chỉ là “sự thật nháp” mà mình thu hoạch được. Đây chính là mấu chốt vấn đề nan giải mà một người viết hồi ký chân chính cần phải tính đến. Tuy nhiên không phải người viết hồi ký nào cũng ý thức được điều đó, và vì thế họ đã cho ra đời nhiều cuốn hồi ký bị “lẫn sạn”, gây tác động “nhiễu loạn” đến đời sống tư tưởng và tinh thần của người dân.
Tình trạng trên đây thực ra có thể có hai nguyên nhân:

1. Do người viết nhớ và viết sai sự thật. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra (chẳng ai dám nói là mình có trí nhớ hoàn hảo cả). Cũng có những người “cố tình nhớ sai”. Chỉ có điều người ta thường “nhớ sai” theo hướng có lợi cho bản thân. Điều này đã làm cho người đọc ít tin vào hồi ký của những người không phải là nhân vật quan trọng. Bởi vì đối với những người này, việc kiểm chứng các sự kiện được kể lại trong hồi ký của họ là rất khó khăn.

2. Trong trường hợp những người nhớ đúng nhưng cuối cùng vẫn đưa ra những “sự thật không chân chính” (tức là “sự thật sai”), thì có nghĩa là anh ta đã gặp phải “sự thật nháp” mà không biết. Muốn biết được điều đó, người viết hồi ký phải là một nhà nghiên cứu sử học, phải kết hợp nhiều phương pháp và nhiều tư liệu khác để đối chiếu, so sánh, đánh giá và kiểm chứng các “sự thật nháp” kia, để xem xem chúng có phải là “sự thật nháp” thực thụ không hay chúng chính là “sự thật chân chính” được che đậy vì một lý do nào đó? Có như thế thì cuối cùng anh ta mới có thể đưa ra được những câu kết luận chính xác của mình về các “sự thật”.

Xem thế thì quả là việc viết hồi ký không hề đơn giản như cái vẻ ngoài của nó có thể làm cho người ta tưởng là như vậy. Người viết hồi ký sẽ có công lớn nếu như anh ta phát hiện ra được những “sự thật nháp chân chính” đang phải chịu sự che đậy để tránh nguy hiểm cho các nhân vật có liên quan; cũng như nếu anh ta phân biệt được “sự thật nháp” với sự thật chân chính để không gây ngộ nhận, góp phần làm cho hồi ký có được tính chính xác của thể loại viết về người thật việc thật! Đó chính là tiềm năng của hồi ký. Nhưng anh ta sẽ “gây thù chuốc oán” nếu như anh ta cứ hồn nhiên công bố mọi “sự thật nháp” của người đời, nhất là có những người viết hồi ký chỉ công bố những “sự thật nháp” này khi tác giả của những sự thật đó đã khuất. Đó là hạn chế của hồi ký. Nhận thức chân lý là một quá trình, không phải mọi phát ngôn trong mọi hoàn cảnh của một người đều có thể được hoặc bị coi là sự thật chân chính. Muốn hiểu và áp dụng được điều đó cho hồi ký, tôi cho là người viết hồi ký phải có năng lực của một bộ óc khoa học. Chính vì thế mà các tập hồi ký nổi tiếng trên thế giới từ trước đến nay thường là của các nhà khoa học thuộc một lĩnh vực nào đó. Như vậy là trong sâu xa, ngoài cái tính nghệ thuật mà tôi đã nói ở trên, hồi ký đòi hỏi phải có tính khoa học, tính khoa học đó thể hiện trước hết ở khả năng nhận thức chính xác đối với các sự kiện và “sự thật”. Chúng ta hãy làm cho cái thể loại có nguồn gốc thuộc loại lâu đời nhất này mãi mãi phát huy được tính khoa học và tính nghệ thuật của nó.


Nguyễn Văn Dân
 (Theo Hoinhavanvietnam.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất