Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 7/11/2008 19:32'(GMT+7)

Hội nghị Cấp cao ACMECS: Tăng cường hiệu quả hợp tác tiểu khu vực

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng sông Mêkông đang có bước phát triển mới ngày càng mở rộng và được sự quan tâm của các nước trong khu vực. Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 3 là dịp tốt để các nước thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra phương hướng, biện pháp hợp tác cụ thể, thiết thực, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có, theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước và tăng cường liên kết kinh tế giữa các nước trong khuôn khổ hợp tác 3 dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong.

Thủ tướng cũng cho biết: “Diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và khu vực trong năm qua, nhất là bất ổn tài chính, an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu tạo động lực thôi thúc các nước ACMECS tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa để phát huy hết các cơ hội và tiềm năng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau đối phó với các thách thức chung vì hoà bình, ổn định và phát triển trong tiểu vùng Mêkông và khu vực.”

Bên cạnh đó, ACMECS là cơ chế mới nên nhiều tiềm năng hợp tác còn chưa được khai thác đúng mức. Do đó, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần 3 là cơ hội tốt cho chúng ta kiểm điểm quá trình hợp tác vừa qua, cùng thảo luận và đề ra phương hướng, biện pháp đưa hợp tác ACMECS trở nên sống động và thực chất hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhất trí tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế khu vực, hợp tác thương mại, đầu tư giữa 5 nước thành viên, đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước với các quốc gia khác trong cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng các nước bày tỏ hài lòng nhận thấy hợp tác ACMECS trong thời gian qua đã có những bước phát triển đáng khích lệ, định hình được cơ chế hợp tác và chuyển sang giai đoạn triển khai các chương trình và dự án hợp tác cụ thể.

Năm vị Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện Tuyên bố Bagan năm 2003 về Tăng cường Hợp tác và Hội nhập kinh tế giữa các nước ACMECS trên 7 lĩnh vực thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp-năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin-viễn thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực và y tế.

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế và khu vực đầy biến động khó lường, Thủ tướng các nước nhất trí cần thúc đẩy hợp tác ACMECS theo hướng hiệu quả và thực chất, cùng tận dụng cơ hội và đối phó với những thách thức mới, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế các nước thành viên ACMECS nói riêng và trong tiểu vùng Mê Công nói chung.

Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh cho rằng, cần phải xác định cụ thể các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, và phát huy lợi thế của mỗi nước thành viên. Điều này các nước thực hiện được tốt các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã đề ra (MDGs), đồng thời giảm đói nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiểu vùng, trong nội khối ASEAN và với các khu vực khác.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, lãnh đạo 5 nước thành viên ACMECS nhấn mạnh sự cần thiết tạo thuận lợi về thủ tục và cơ chế, nhất là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với di chuyển của người và hàng hóa qua lại qua biên giới, đồng thời khuyến khích các hoạt động quảng bá xúc tiến về du lịch như việc triển khai sáng kiến “Năm quốc gia, Một điểm đến”, kết nối các di sản văn hóa và thiên nhiên giữa các nước thành viên.

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong hợp tác kinh tế ACMECS

Cùng ngày, bên lề Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 3 đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp ACMECS. Tham gia Diễn đàn có khoảng 350 doanh nghiệp của các nước khu vực ACMECS, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các đối tác và nhà đầu tư trong và ngoài khối ACMECS thiết lập quan hệ, giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Văn Dũng nhận định doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong sự hợp tác của khu vực ACMECS, bởi doanh nghiệp góp phần xây dựng chiến lược hợp tác trong khu vực và chính doanh nghiệp lại thực hiện để phát huy hiệu quả của những chính sách đó. Khó khăn của sự hợp tác các doanh nghiệp hiện nay là do trình độ phát triển không đồng đều giữa các nước thành viên. Riêng các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và các thủ tục hành chính, hải quan còn rườm rà. Đáng mừng là hiện nay đã có những doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh doanh ở các nước trong  khu vực. Ông Dũng đề xuất việc phát hành thẻ ACMECS cho các doanh nhân để thuận lợi hóa việc đi lại và giao thương giữa các nước trong khu vực; xây dựng hệ thống kho vận và chế độ bảo hiểm rủi ro cho vận chuyển hàng hóa giữa các nước.

Là một trong các doanh nghiệp Việt Nam tham gia diễn đàn, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Taxi Mai Linh bày tỏ hy vọng sau diễn đàn này, sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở các nước trong khu vực ACMECS như Mai Linh. Hiện nay, mỗi ngày, Công ty này vận chuyển 100-300 khách từ Việt Nam đi Campuchia và ngược lại. Dự kiến trong thời gian tới, Mai Linh sẽ mở rộng địa bàn kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ sang các nước như Lào, Myanmar và Thái Lan. Vấn đề còn tồn tại hiện nay là thủ tục thông quan giữa các nước chưa thật sự thuận tiện, vì vậy, thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu biên giới để làm thủ tục hải quan xuất cảnh còn khá lâu. Ông cũng hy vọng, thông qua diễn đàn này, các vấn đề này sẽ sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh trong khu vực.

Ông Oknha Kith Meng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Campuchia đề xuất cần tăng cường hợp tác về du lịch, thế mạnh của các nước trong khu vực. Trước hết, cần có chương trình hành động xây dựng các tuyến du lịch liên kết thông qua các cửa khẩu biên giới.

Ông Oudet Souvannavong, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào đề cập đến vấn đề trọng tâm của ACMECS là kết nối kinh tế, thúc đẩy luân chuyển hàng hóa giữa các tỉnh biên giới. Các nước cần hợp tác mở nhiều cửa khẩu, lập những khu vực thương mại đặc biệt và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối kinh tế giữa các nước thành viên, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Doanh nghiệp ACMECS được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu vực thảo luận, đưa ra những khuyến nghị và sáng kiến nhằm thuận lợi hóa các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.
 

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất