Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 1/9/2016 21:22'(GMT+7)

Hội nghị G20- Cơ hội hồi phục và tái định hình nền kinh tế thế giới

Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng G20 chụp ảnh chung tại hội nghị diễn ra ngày 24/7 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng G20 chụp ảnh chung tại hội nghị diễn ra ngày 24/7 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là nhận định chủ quan của giới chuyên gia chính trị và kinh tế ở Ai Cập. Được biết chủ đề của hội nghị năm nay, được nước chủ nhà Trung Quốc lựa chọn là “Hướng tới một Nền kinh tế Thế giới Sáng tạo, Sôi động, Kết nối và Tổng thể”.

Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 4-5/9. Cuối năm 2008, cấp tham dự hội nghị G20 đã thay đổi từ bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng lên cấp lãnh đạo quốc gia do các nước thành viên lo ngại trước tình trạng bất ổn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Năm nay, Trung Quốc đã mời hai nước đang phát triển là Ai Cập và Kazakhstan tới hội nghị G20 với vai trò khách mời danh dự. Hội nghị lần này cũng có mặt Chad- nước đang là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), Senegal- đối tác cơ bản của Trung Quốc trong các dự án phát triển tại châu Phi, và Lào- Chủ tịch luân phiên năm 2016 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã, ông Diaa Helmi, Chánh Văn phòng Thương mại Ai Cập-Trung Quốc, nói: “Trung Quốc muốn hội nghị thượng đỉnh lần này trở lại tập trung vào các vấn đề truyền thống và khôi phục các mục tiêu ban đầu với tư cách một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, nơi sự hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia không chịu sự chi phối của các mối quan hệ chính trị”.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang tìm kiếm sự mở cửa đối với thế giới, muốn vươn tới cả châu Phi, thế giới Arab, khu vực Trung Đông cùng các quốc gia khác, và rằng cả châu Phi và các quốc gia phương Tây hiện cũng đang tích cực hướng Đông về phía Trung Quốc.

Ông nói: “Điều này phản ánh thực tế là Trung Quốc đã thành công và các kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế của nước này xứng đáng là hình mẫu để theo đuổi”. Theo ông, “Trung Quốc vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới ở một thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi thế giới chịu tổn thất lớn về mặt kinh tế do chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và xung đột dân sự”.

Chuyên gia này khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh năm nay nhằm mục đích giải thoát cho thế giới khỏi các “chính sách kinh tế cổ hủ và trì trệ” như độc quyền hay bảo hộ thương mại vì mục đích chính trị.

Về phần mình, ông Mahmoud Allam, cựu Đại sứ Ai Cập ở Trung Quốc, cho rằng 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và các hoạt động thương mại cũng có sự sụt giảm đáng kể. Đây chính là những yếu tố mà theo ông sẽ “sẽ tác động đến tỉ lệ tăng trưởng, nhất là ở các nước đang phát triển”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm 2,4% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với con số 4,8% của năm 2011. Trao đổi với Tân Hoa Xã, cựu Đại sứ Allam nói: “Thế giới ngày nay cần phải nhận thức được sự cần thiết của hợp tác kinh tế trên toàn cầu, và nền kinh tế thế giới nên mang tính tổng thế chứ không nên là một câu lạc bộ riêng biệt và kín đáo chỉ quy tụ các nền kinh tế mạnh”.

Ông Allam nhấn mạnh thị trường của các nền kinh tế phát triển ở mức thấp hơn cần phải mở rộng để các nền kinh tế lớn có thể tìm thấy cơ hội xúc tiến và xuất khẩu sản phẩm của mình. Ông cũng hy vọng ý kiến này sẽ trở thành một trong những mục tiêu được nhấn mạnh tại hội nghị năm nay.

Ông Allam nhận định: “Với vai trò là nước chủ tịch G20, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một quốc gia đang phát triển lớn, Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian giữa các đang phát triển và các nước tiến bộ nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thế giới công bằng hơn”.

Trong chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên đến Ai Cập, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại trụ sở Liên đoàn Arab ở Cairo, nơi ông đã nhấn mạnh “phát triển” là chìa khóa giải quyết gần như toàn bộ các vấn đề ở Trung Đông, đặc biêt là sự phát triển ngày một nhanh của chủ nghĩa khủng bố và sự hỗn loạn.

Ahmed Qandil, chuyên gia về các vấn đề châu Á và là người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram, nói: “Chúng ta không thể ngăn chặn các hành vi khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nếu không thúc đẩy phát triển và tạo ra nhiều việc làm, bởi chính thất nghiệp và đói nghèo là hai nguyên nhân chủ yếu khiến chủ nghĩa khủng bố nở rộ trong khu vực”.

Chuyên gia này cho rằng phát triển có thể đóng vai trò là “một bức tường vững chắc” chống lại chủ nghĩa khủng bố nói chung, và bày tỏ hy vọng hội nghị G20 lần này sẽ kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nền kinh tế lớn vì sự phát triển của khu vực Trung Đông đang chìm trong hỗn loạn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, suốt nhiều năm qua, các quốc gia đang phát triển đã phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự thiếu cân bằng, thiếu minh bạch và thiếu hiệu quả của các thể thế tài chính lớn trên thế giới như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) do điều kiện chính trị mà họ đặt ra đối với các viện trợ phát triển.

Ông Quandil nói: “Với việc nắm giữ vị trí Chủ tịch (luân phiên của) G20, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ và chào đón các quốc gia đang phát triển đến với hội nghị nhằm cải thiện sự minh bạch và sự năng động của các hệ thống kinh tế và tài chính thế giới”.

Nhiều người cho rằng các quốc gia đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội tại hội nghị lần này, miễn là họ có thể phát đi thông điệp rằng phát triển kinh tế ở Nam Bán cầu sẽ làm tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tăng tốc độ tiêu thụ, tái khởi động chu kỳ thương mại và phát triển.

Theo Báo Tin tức/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất