Chủ trì hội nghị có đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tham dự hội nghị còn có 150 đại biểu là đại diện Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin đối ngoại các sở, ngành của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tình hình thế giới hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn có những khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra những vấn đề, những yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực. Tình hình mới đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
Trên tinh thần đó Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo, nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động thông tin đối ngoại.
Theo đó, ngày 19-10-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại nói riêng và hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố nói riêng. Thông tư gồm 4 chương, 12 điều, với ý nghĩa hoàn thiện thêm hành lang pháp lý về thông tin đối ngoại, triển khai kết luận 16-KL/TW ngày 14-2-2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược Phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2012-2020.
Khẳng định tính cấp thiết phải có Thông tư hướng dẫn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền và tư tưởng của Đảng và Nhà nước, được lãnh đạo các cấp, ngành địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cho nên, việc xây dựng Thông tư có ý nghĩa to lớn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại được quan tâm đúng mức, nội dung thông tin phong phú, nhanh chóng, kịp thời, qua đó giúp kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố vẫn tồn tại bất cập, hạn chế; kiến thức, kỹ năng, sự phối hợp vẫn chưa đồng bộ, thống nhất, chính vì vậy việc ban hành thông tư hướng dẫn là cần thiết.
Trao đổi các ý kiến tại hội nghị, các tham luận, ý kiến của các đại biểu khẳng định: Thông tư ra đời đã hoàn thiện thêm một bước hành lang pháp lý về thông tin đối ngoại, triển khai thực hiện Kế luận 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược Phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2012-2020. Thông tư là văn bản pháp lý đầu tiên hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại. Đặc biệt, Thông tư ra đời sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố hiện nay quy định rõ trách nhiệm cho các Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Thông tư còn giúp các tỉnh, thành phố tự chủ trong triển khai hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố; giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh, thành phố; khẳng định rõ thông tư còn là căn cứ để các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại dài hạn, trung hạn, hằng năm.
Ngoài ra, Thông tư còn là căn cứ để các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, phóng viên nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố; thực hiện các sản phẩm truyền thông giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh, thành phố trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2016 và chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ năm 2017; phổ biến, quán triệt Thông tư 22/2016/TT-BTTT ngày 19/10/2016 hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; định hướng công tác thông tin đối ngoại năm 2017./.
Duy Phong