Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 10/3/2011 22:39'(GMT+7)

Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sơ kết ba năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Hơn 2 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn

 Theo báo cáo, đến nay đã có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên thuộc 1,8 triệu hộ gia đình đã được vay vốn với doanh số cho vay tín dụng học sinh sinh viên đạt 27.049 tỷ đồng. Đối tượng cho vay khá rộng, bao gồm: học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tạm thời về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo. Trong 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với học sinh sinh viên tăng từ mức 800.000 đồng/ tháng lên 860.000 đồng tháng và lên 900.000 đồng/tháng. Mức lãi suất cho vay học sinh sinh viên là 0,5%/tháng, thấp hơn so với mức lãi suất cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (0,65%/tháng). Từ khi triển khai Chương trình đến nay, quy trình, thủ tục cho vay đối với học sinh sinh viên được Ngân hàng Chính sách xã hội cải tiến nhiều lần như: chuyển từ cho vay trực tiếp học sinh sinh viên sang cho vay qua hộ gia đình, giải ngân qua thẻ ATM, giải ngân hoặc thu nợ tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình cũng như học sinh sinh viên trong quan hệ giao dịch với ngân hàng…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu lên những tồn tại trong qua trình thực hiện Chương trình đó là đối tượng thụ hưởng của Chương trình cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg trải rộng đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai thực hiện như việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính của UBND địa phương. Hiện mức lãi suất cho vay học sinh sinh viên chỉ là 0,5%/tháng là mức lãi suất thấp làm tăng gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, đồng thời tạo tâm lý bao cấp của Nhà nước, không đảm bảo được mục tiêu chính của xã hội hóa là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Công tác quản lý, giám sát sử dụng vốn cũng như tổ chức thu hồi nợ đến hạn là một thách thức lớn đối với Chương trình cần có sự đánh giá kỹ, bàn biện pháp để có thể thu hồi vốn cho Nhà nước và có nguồn để cho vay quay vòng. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý nêu hiện trạng một số trường học sinh, sinh viên chưa nắm được đầy đủ nội dung, ý nghĩa của Chương trình vay vốn; một số trường chưa thống kê được chính xác số học sinh, sinh viên được vay vốn do chưa có thông tin từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội; một số tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, hội đoàn thể nhận ủy thác còn chưa sát sao trong việc tổ chức thực hiện…

Các đại biểu tham dự hội nghị đề nghị tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng học sinh sinh viên ở các địa phương, đặc biệt là những tỉnh có vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cơ sở đào tạo để tất cả học sinh sinh viên, các gia đình nắm được chủ trương này, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh sinh viên trong việc hoàn trả vốn, phát huy trách nhiệm của các ngành liên quan trong công tác phổ biến tuyên truyền chính sách. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng trước mắt không mở rộng đối tượng cho vay vốn, đồng thời cần nghiên cứu hoàn chỉnh lãi suất cho vay phù hợp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước và các hộ gia đình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thứ trưởng đề nghị đối với mức cho vay, xem xét điều chỉnh kịp thời với lộ trình điều chỉnh học phí, giá cả thị trường và khả năng của ngân sách nhà nước; đồng thời xem xét cơ chế hoàn trả nợ gốc và lãi vay phù hợp. Nhiều ý kiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nghiêm túc rà soát chặt chẽ đối tượng vay vốn; kiểm tra, giám sát việc xác định đối tượng vay, sử dụng khoản vay để đảm bảo đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tổ chức thu hồi nợ vay đến hạn để có nguồn tiếp tục cho vay…

Tại các điểm cầu, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Đại học Cần Thơ, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Yên Bái cũng như đại diện tổ chức đoàn thể, tổ tiết kiệm vay vốn, hộ gia đình, sinh viên đã phát biểu nêu bật ý nghĩa xã hội to lớn của Chương trình cũng nhưng những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đây là một chương trình có quy mô lớn, đối tượng thu hưởng rộng bao gồm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tạm thời về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh. Qua 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã khẳng định ý nghĩa xã hội to lớn của chương trình, tạo điều kiện để bất cứ học sinh, sinh viên nào nếu thi đỗ đều có điều kiện theo học. Đây cũng chính là việc đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong thời gian tới- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá qua quá trình thực hiện đã triển khai tốt hệ thống vay vốn tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình vay vốn. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan hữu quan rà soát để biết có bao nhiêu hộ gia đình không thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo nhưng có nhiều con cùng đi học, có nhu cầu vay vốn để có phương pháp xử lý hiệu quả.

Phó Thủ tướng nêu lên thực tế vẫn có ngân hàng có nguyện vọng tham gia vào chương trình này, nhất là các lĩnh vực đào tạo liên quan đến ngân hàng , y tế... và đề nghị Ngân hàng Chính sách và Bộ Tài chính cần bàn thảo sâu về vấn đề này, tạo điều kiện để thêm ngân hàng tham gia, góp phần xã hội hóa trong thực hiện Chương trình. Về mức vay thế nào để theo kịp lộ trình điều chỉnh học phí, giá cả thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan cần họp bàn để xem xét, tăng mức vay cho phù hợp với thực tế; đồng thời điều chỉnh lãi suất cho phù hợp. Qua thảo luận nổi lên đề nghị tạo điều kiện để học sinh sinh viên nghèo vay tiền mua máy tính giá rẻ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là nhu cầu chính đáng và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, bàn bạc cùng các tập đoàn sớm công bố chương trình máy tính giá rẻ cho học sinh sinh viên; đồng thời có kế hoạch vận động các cơ quan, doanh nghiệp cho lại máy tính cũ để tạo điều kiện cho học sinh sinh viên có điều kiện sử dụng máy tính hỗ trợ trong việc học tập.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công tác kiểm tra giám sát cần tiếp tục được duy trì mỗi một học kỳ có một đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình trên các mặt nhưng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích... Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo tất cả các trường THCS và THPT trên cả nước thông báo cụ thể về Chương trình này đảm bảo từ năm học này không một học sinh nào thuộc diện thụ hưởng chương trình nhưng không biết về chương trình. Đáng giá cao vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong việc thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm tốt công tác này trong thời gian tới, phổ biến những cách làm hay để các địa phương học hỏi; đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện phần mềm để khai thác website http://vayvondihoc.moet.gov.vn, tạo điều kiện cho các đối tượng tìm hiểu thông tin về Chương trình, qua đó tăng tính hiệu quả khi thực hiện. Trao đổi về những khó khăn trong việc phân loại hộ nghèo, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo cận nghèo... Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương cần có kế hoạch tạo điều kiện việc làm cho các em thụ hưởng chương trình có việc làm; đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan bàn thảo xem xét để có kế hoạch sửa đổi Quyết định 157 cho phù hợp với điều kiện thực tế.../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất