Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đang được Trung ương thảo luận đã nêu rõ bảo hiểm xã hội vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân. Đây cũng là vấn đề được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Hệ thống bảo hiểm xã hội còn thiết kế đơn tầng
Trên thực tế, diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống bảo hiểm xã hội về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách bảo hiểm xã hội với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. Bảo hiểm xã hội bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia. Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn trên 70% chưa tham gia.
Đề cập đến vấn đề cải cách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội góp phần ổn định thu nhập cho người lao động và gia đình họ khi hết tuổi lao động hoặc trong trường hợp gặp rủi ro, bất hạnh như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... Bên cạnh đó bảo hiểm xã hội tạo được tâm lý an tâm, tin tưởng cho người dân, điều này đặc biệt quan trọng đối với lao động nữ khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, họ được bảo đảm thu nhập trong thời gian nghỉ sinh con, giúp họ yên tâm chăm sóc con, phục hồi sức khoẻ.
Đối với xã hội, bảo hiểm xã hội tăng cường mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Bảo hiểm xã hội góp phần thực hiện bình đẳng xã hội, nâng cao điều kiện sống cho người lao động và phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhờ sự điều tiết này người lao động được thực hiện bình đẳng không phân biệt các tầng lớp trong xã hội.
Theo bà Bùi Thị Hòa, thực tế vẫn còn bộc lộ một số bất cập như tình trạng lạm dụng chi trả bảo hiểm y tế, nợ đọng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp. Hạn chế này là do ý thức của người dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (mới chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản; thời gian đóng khá dài, không linh hoạt).
Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Định (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định mô hình tổ chức theo ngành dọc của bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn những bất cập, cấp xã vẫn còn bị bỏ trống, chỉ thực hiện theo hình thức đại lý. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn hạn chế, vì vậy khá nhiều chủ doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội với số tiền rất lớn. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa được coi trọng, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bất cập, nhà nước chưa có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Ông Đỗ Văn Duyệt, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho rằng hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội chưa đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, những chính sách liên quan đến bảo hiểm đang tồn tại nhiều vướng mắc, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đề án cải cách bảo hiểm xã hội đang được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đưa ra bàn thảo là việc làm cần thiết, đáp ứng được mong đợi của xã hội, trong đó có việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu và quan tâm đến đối tượng nông dân, người nghèo trong xã hội.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Theo mục tiêu Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đến năm 2021 cả nước phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Đến năm 2030, cả nước phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội).
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho hay ở Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức lên tới 59,6%, cao hơn mức trung bình thế giới (49%). Bên cạnh mong muốn được hưởng các chế độ bảo hiểm khác, việc được hưởng chế độ thai sản để phụ nữ chăm con giai đoạn đầu là rất quan trọng, góp phần vào việc phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cũng cần có những giải pháp toàn diện hơn để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm đảm bảo an sinh xã hội, như thông điệp của bảo hiểm xã hội tự nguyện “Tích lũy khi trẻ, an hưởng về già."
Cụ thể hơn, bà Bùi Thị Hòa cho rằng Trung ương cần đánh giá hiệu quả việc hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nhóm lao động với các đặc thù như thu nhập thấp, bấp bênh… để họ có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn Nhà nước cần nghiên cứu, mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, xây dựng các gói bảo hiểm xã hội theo hướng ngắn hạn, linh hoạt, hướng tới bình đẳng về quyền như những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; ngoài 2 chế độ hưu trí và tử tuất đang thực hiện cần tăng thêm các chế độ khác để hấp dẫn các đối tượng tham gia.
Đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Định (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản nhất của mỗi quốc gia; là trụ cột chính trong hệ thống các chính sách và các chương trình đảm bảo an sinh xã hội. Trong xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh như hiện nay, việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta là cần thiết và cấp bách, bởi độ trễ khi thực hiện chính này là rất dài. Nếu không cải cách kịp thời sẽ có tác động rất khó lường trong tương lai.
"Việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng sẽ góp phần cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững trong dài hạn; nâng cao diện bao phủ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mở rộng diện bao phủ của loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện; hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...," phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Định nhấn mạnh./.
Theo TTXVN