Quang cảnh Hội thảo. Ảnh PV
|
Hội thảo đã thu hút trên 50 đại biểu đến từ các TCXH trong nước và đại diện một số cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương. TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA, ông Thang Văn Phúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học hành chính và PGS. TS. Hồ Uy Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản lý NGO – IC đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã tập trung nghiên cứu và thảo luận một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, nhằm đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước tăng cường giải pháp về chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, thúc đẩy sự phát triển của các TCXH. Trong đó, những nội dung được Hội thảo quan tâm là: Khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các TCXH - Những bất cập và giải pháp; Môi trường thể chế cho các TCXH; Các TCXH với công tác tư vấn, phản biện; đồng thời, trực tiếp bàn thảo vào các giải pháp chính sách cụ thể về tổ chức và hoạt động của các TCXH.
Thông qua báo cáo chuyên đề và ý kiến tham luận, các đại đều đánh giá cao sự quan tâm đổi mới và cải thiện chính sách của các cơ quan Chính phủ đối với các TCXH, ngày càng tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng, không ngừng phát huy vai trò của các TCXH trong đời sống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, các TCXH đã có nhiều hoạt động và đóng góp thiết thực, nhất là trong lĩnh vực KH&CN, GD&ĐT; y tế, XĐGN, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đại biểu tập trung thảo luận. Ảnh PV.
|
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức trong hoạt động của các TCXH. Trong đó, chỉ ra nguyên nhân cơ bản là còn thiếu các chính sách đồng bộ, thiếu môi trường pháp lý thông thoáng cho các TCXH hoạt động và phát triển.
Hội thảo đề xuất một số giải pháp cơ bản để các cơ quan chức năng xem xét, tăng cường các chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như xu thế pháp triển chung của thế giới. Đó là:
Thứ nhất, tăng cường đồng bộ hệ thống pháp luật chính sách theo tinh thần mở rộng dân chủ. Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Qua đó, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, loại trừ tư tưởng ban phát, không chấp nhận tư duy quản lý ngăn cản, cấm đoán những quyền của Dân đã được Hiến định. Sớm ban hành Luật về Hội và các luật liên quan đến quyền cơ bản của Dân đã được Hiến pháp 2013 quy định.
Trong khi chưa có Luật về Hội, tại các quy định của Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã thể hiện nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc tiếp nhận nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần phải được sửa đổi. Các đại biểu đề nghị cần thúc đẩy quá trình sửa đổi nghị định 93/2009/NĐ-CP theo tinh thần đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian phê duyệt đảm bảo thuận lợi và hiệu quả cho tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp cho các chương trình phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chính sách thuế phù hợp cho các tổ chức phi lợi nhuận vì hiện các tổ chức này đang báo cáo thuế như một đơn vị có thu, có lợi nhuận, không chỉ khó khăn cho hoạt động mà nhiều chính sách ưu đãi về thuế đối với các tổ chức này, nhất là những tổ chức làm công tác thiện nguyện không được ưu đãi như các quy định của Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường chính sách tạo điều kiện cho các TCXH tiếp cận và thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần các quy định 217 QĐTW... QĐ 501QĐ/Ttg về phản biện khoa học chuyên nghiệp trên phạm vi rộng; tiếp cận đầy đủ, kịp thời về các chương trình, dự án ưu tiên của Chính phủ, tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các TCXH.
Thứ ba, từng bước hoàn thiện hệ chính sách mang tầm chiến lược quyết định đảm bảo sự đổi mới tư duy phát triển trong thời hội nhập và khởi nghiệp theo con tàu 4.0. Các chính sách phải đáp ứng tăng cường vai trò của các TCXH như là một trong ba cột trụ phát triển và không thể thiếu đối với các nhà nước chính trị: Kinh tế thị trường - Nhà nước pháp quyền và các TCXH là mối quan hệ biện chứng, hài hòa cùng dựa vào nhau để tồn tại phát triển bền vững.
Kết luận Hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA biểu dương sáng kiến của NGO – IC đã tổ chức Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển của các TCXH; biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp và đề xuất nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến “sứ mệnh” phát triển của các TCXH; gợi mở cho VUSTA những nội dung cần phải tập trung nghiên cứu một cách thấu đáo, căn bản để tổ chức chiến lược phát triển trong điều kiện mới của nền công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. TS. Phan Tùng Mậu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập từ chính bản thân các TCXH và mong muốn các thành viên VUSTA phải phấn đấu hơn nữa với tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự quản và tự tôn pháp luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tạo dựng niềm tin vững chắc đối với các cơ quan chính phủ, và cộng đồng xã hội bằng những đóng góp thiết thực, hiệu quả của mình./.
PV