Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 20/3/2014 20:11'(GMT+7)

Hội thảo Hướng dẫn đầu tư cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây là một bước đi trong tiến trình triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giúp ngân hàng thế giới và UNDP xây dựng kế hoạch hành động, kịch bản cho tăng trưởng xanh và đánh giá lại chi tiêu công của Chính phủ Việt Nam cho biến đổi khí hậu.
Hội thảo nhằm giới thiệu đến các đại biểu trong cộng đồng các nhà tài trợ, đại diện các Bộ ngành, địa phương của Chính phủ Việt Nam về hướng dẫn về đầu tư xanh. Đây là một công cụ trong việc triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng cơ chế lồng ghép chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm cấp quốc gia, cấp địa phương. Đồng thời là công cụ giúp Chính phủ Việt Nam huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ song phương, đa phương, từ các quỹ phát triển trên thế giới, cũng như huy động các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân. Qua đó, giúp Chính phủ Việt Nam triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ông Imran Ahmad, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương GGGI cho biết thời gian qua GGGI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng nhau làm việc kỹ lưỡng để đưa ra những vấn đề thiết yếu nhất trao đổi trong buổi hội thảo. Những sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu của GGGI đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, trong việc quản lý phát triển và kiến thức, GGGI đang tiến hành những nghiên cứu liên quan đến tăng trưởng xanh, tận dụng tri thức từ các nhà hoạch định chính sách, những cải tiến về công nghệ.
Những thảo luận tại hội thảo cho thấy Việt Nam nằm trong số nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, điều này ảnh hưởng 2-6% GDP mỗi năm. Do vậy, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách và củng cố các tổ chức kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đạt được thông qua tăng cường đầu tư vào cải tiến công nghệ, nguồn vốn tự nhiên và các công cụ kinh tế, được cụ thể hóa qua 3 mục tiêu chiến lược: đến năm 2020, giảm phát thải các-bon từ 8-10% so với năm 2010 và là 20% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dựa trên những công trình, công nghệ và thiết bị thân thiện với môi trường; lối sống xanh và sự tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, nguồn đầu tư hàng năm của Chính phủ Việt Nam cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, bao gồm Tăng trưởng Xanh là khoảng 1 tỷ USD và 2 tỷ USD đến từ nguồn vốn ODA từ năm 1993 đến nay. Trong khi đó, theo mô hình MACC, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải các-bon cho đến năm 2020. Do vậy, ngoài việc xây dựng khuôn khổ chương trình hoạt động lâu dài, gắn với chiến lược tài chính 5 - 10 năm, Việt Nam cũng mong muốn tham gia cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn quốc tế dành cho lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã bàn bạc đi sâu vào các vấn đề như việc đánh giá mức ưu tiên chiến lược các lĩnh vực mục tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đánh giá sự cần thiết của các chương trình trong từng lĩnh vực mục tiêu, đưa ra thứ tự ưu tiên thực hiện các giải pháp xanh cụ thể, phân tích chi tiết về khung phân tích cho quá trình ra quyết định đầu tư tăng trưởng xanh và đi vào thảo luận kỹ thuật cụ thể./.

Theo Nguyễn Hương, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất