Nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, sáng 25/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếng Việt trong Truyền Kiều”.
Tham dự có Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hội viên Hội Kiều học.
Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Phong Lê khẳng định, Hội thảo nhằm tôn vinh, tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, là người đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị, trước và sau ông cho đến nay, chưa ai sánh được. Trải qua hàng trăm năm, vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong Truyện Kiều ngày càng tỏa sáng hơn, sâu lắng hơn.
Hội thảo đã giới thiệu 48 tham luận, mỗi tham luận là một cách đi sâu và cụ thể hóa sức sống bất diệt, vẻ đẹp tuyệt vời của tiếng Việt trong Truyện Kiều. Hội thảo cũng công bố những kết quả nghiên cứu mới về Truyện Kiều dưới góc độ ngôn ngữ và ngôn ngữ học, giúp cho việc tìm hiểu, thưởng thức, dịch thuật và phổ biến Truyện Kiều được sâu rộng, chuẩn xác hơn.
Nhiều tham luận đã đề cao giá trị văn học của tác phẩm Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du. Tiêu biểu có tham luận "Biệt tài miêu tả tâm trạng của Nguyễn Du qua vài trích đoạn Truyện Kiều" đã nêu rõ 3.254 câu lục bát thuần Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Câu nào, chữ nào cũng thấm đẫm tâm hồn, tính cách tình cảm của người Việt Nam, đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt và có đời sống riêng, lâu bền, trong cội nguồn văn hóa người Việt.
Hay tham luận "Tại sao các cuộc tranh luận về tiếng Việt trong Truyện Kiều không có hồi kết" của Nguyễn An (Hội Kiều học Việt Nam) đã nêu rõ tính dị bản của Truyện Kiều. Bởi khi chép Truyện Kiều ra để in, đọc cho nhau nghe... trong dân gian thì mỗi nhà, mỗi người theo một từ chính tả tiếng Việt mang đặc điểm phát âm và viết riêng, chưa được sự thống nhất cao. Cái riêng đó gọi là riêng vùng miền. Nhưng rõ ràng tiếng Việt trong Truyện Kiều trở nên đa dạng và phong phú.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh: Hội thảo “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của kiệt tác Truyện Kiều; tôn vinh công lao của Nguyễn Du trong việc phát huy và sáng tạo cái hay, cái đẹp của tiếng Việt khi viết Truyện Kiều, góp phần phổ biến, giữ gìn, bảo vệ những giá trị của tiếng Việt.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh ra mắt Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du./.
Theo TTXVN