Ngày 19/12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông trong cục diện mới và đối sách của Việt Nam” nhằm đánh giá tổng thể tình hình Biển Đông trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực, nhận diện các vấn đề chính sách đặt ra với Việt Nam.
Đây là lần thứ 3 Hội thảo Quốc gia về Biển Đông được Học viện Ngoại giao tổ chức. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh chủ trì hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham gia của ông Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cùng hơn 70 đại biểu là các cán bộ lão thành, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đại diện các cơ quan của Đảng và các bộ, ban, ngành của Chính phủ liên quan đến Biển Đông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá cục diện cạnh tranh giữa các nước lớn và hoạt động tập hợp, phân hóa lực lượng trên Biển Đông đang diễn ra ngày càng phức tạp, tác động khó lường đến tình hình Biển Đông và tới việc xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông Phạm Quang Vinh khẳng định Biển Đông không chỉ là vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển mà còn gắn với nhiều nội dung liên quan như pháp lý, an toàn hàng hải, kết nối giao thông, phát triển bền vững biển… Những diễn biến nhanh chóng và phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua đòi hỏi công tác nghiên cứu đánh giá tình hình cần tiếp tục được tiến hành thường xuyên, liên tục để có thể đề xuất chính sách và cách thức ứng xử phù hợp.
Cũng tại hội thảo lần này có 14 bài tham luận về các chủ đề chính như: Biển Đông trong trật tự của khu vực, trong thực hiện nghị quyết Chiến lược biển Việt Nam đến 2030, những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong đó có các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, thực trạng và triển vọng hợp tác giữa các quốc gia tại Biển Đông…
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định và thực thi chính sách biển trên toàn quốc chia sẻ thông tin và các nghiên cứu về Biển Đông trên tất cả các khía cạnh, đánh giá kỹ tình hình, các xu hướng thuận, nghịch và điều chỉnh chính sách của các bên, vai trò của luật pháp, chuẩn mực quốc tế và các cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ rà soát và phân tích các chính sách liên quan đến biển của ta hiện nay, tiếp tục đề xuất các đối sách và ý tưởng mới để bảo vệ chủ quyền, an ninh và thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển trên Biển Đông./.
Theo TTXVN