Phông tài liệu lưu trữ Phủ Thống đốc Nam Kỳ (từ 1858 - 1945) viết bằng chữ Pháp là phông tư liệu còn lại hoàn chỉnh và tương đối đầy đủ nhất. Đây là chứng cứ, dấu ấn lịch sử hùng hồn nhất, chính xác nhất trong quan hệ giữa nước Cộng hòa Pháp và nước Việt Nam. Xét về di sản tư liệu, tài liệu này có đủ tiêu chí để lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới.
Ở góc độ một nhà khoa học nghiên cứu, khai thác nguồn tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Tiến sỹ Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Đây là một kho sử liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới ở thời kỳ cận-hiện đại. Đã có nhiểu công trình nghiên cứu về lịch sử dân tộc, lịch sử vùng đất Nam Bộ nói chung và từng địa phương ở Nam Bộ nói riêng đã khai thác, sử dụng hiệu quả từ nguồn tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ. Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là khối tài liệu được các nhà khoa học trong và ngoài nước chú ý khai thác ở mức độ cao nhất. Từ năm 1976 đến năm 2013, đã có hơn 600 lượt nhà khoa học trực tiếp đến trung tâm để tìm kiếm tài liệu trong quá trình biên khảo, thực hiện các công trình khoa học. Mặt khác, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cũng đã cung cấp gần 30.000 hồ sơ, 89.340 trang tài liệu thuộc Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ để phục vụ hàng ngàn đề tài nghiên cứu (trong đó có gần 200 đề tài của tác giả nước ngoài), 103 luận án tiến sỹ, 42 luận văn, khoa luận tốt nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.
Hội thảo khoa học "Tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ - Tiềm năng Di sản tư liệu" được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện về giá trị của tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ. Qua đó, góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO trong thời gian tới.