Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 18/11/2008 10:14'(GMT+7)

Hôm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm chính thức Vê-nê-xu-ê-la và dự APEC 16

Tổng thống Hugo Chavez trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006

Tổng thống Hugo Chavez trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006

>>APEC: Thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên

Tham gia cùng đoàn của Chủ tịch nước còn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... 

Đây là chuyến thăm ở cấp Nguyên thủ Nhà nước đầu tiên của Việt Nam tới Venezuela. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống H. Chavez tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2007- 2013), tiếp tục đẩy mạnh cuộc Cách mạng Bolivar, tăng cường quản lý Nhà nước về kinh tế, hướng tới xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thế kỷ 21 ở Venezuela và quan hệ Việt Nam- Venezuela thời gian qua có những bước  phát triển tích cực.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước; cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy các dự án hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu; ký kết các thỏa thuận, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương; đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Venezuela đi vào thực chất và có hiệu quả.

Việt Nam và Venezuela chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12/ 1989, nhưng từ lâu nhân dân hai nước đã có sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, hòa cùng làn sóng đồng tình và ủng hộ của nhân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Venezuela đã dấy lên phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua có những bước phát triển tích cực, nhất là từ khi nước ta mở Đại sứ quán tại thủ đô Caracat tháng 9/2005 và Venezuela mở Đại sứ quán tại thủ đô Hà Nội tháng 1- 2006. Hai nước tăng cường các cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến và đi thăm lẫn nhau. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải (10/2006), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân (10/2007), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng (8/2006) thăm Venezuela. Tổng thống H. Chavez (31/7- 1/8/2006), các Thứ trưởng Ngoại giao: Wiliam Ixara (7/2005) và Anxidet Rondon (5/2006, 7/2006) thăm Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp Tổng thống Chaez tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước phương Nam tại Cuba (4/2000) và Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của LHQ (New York, 9/2000), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thống Chavez tại dịp dự Hội nghị Cấp cao 14 Phong trào Không liên kết (Cuba, 9/2006), Quốc hội Venezuela đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị với Việt Nam. Ngày 3/10/2007, tiến hành Đại hội thành lập Hội Hữu nghị và Đoàn kết Venezuela- Việt Nam. Trước đó, ngày 20/7/2006, Hội Hữu nghị Việt Nam- Venezuela cũng đã được thành lập do GS. TS Vũ Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam làm Chủ tịch và Hội chính thức ra mắt tại Hà Nội ngày 1/8/2006 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Venezuela H. Chavez.

Nổi bật là chuyến thăm Venezuela của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007) với Tuyên bố Cấp cao khảng định hai bên xây dựng “quan hệ đối tác toàn diện”. Khóa họp lần thứ nhất Ủy ban liên Chính phủ hai nước vừa được tổ chức (8/22008) triển khai thỏa thuận cấp cao hai nước, xác định các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy các dự án cụ thể, nhất là về năng lượng, dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp; khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương từng bước được hoàn thiện. Giá trị trao đổi thương mại, tuy có nhiều tiềm năng và mặc dù còn ở mức khiêm tốn, nhung đã tăng đáng kể trong hai năm trở lại đây. Năm 2006, kim ngạch thương mai hai chiều đạt gần 20 triệu USD, tăng 146% so với năm 2005, năm 2007 đạt 11,7  triệu USD và 6 tháng đầu năm nay đạt 10,1 triệu USD.

Nằm bên bờ biển Caribe, Venezuela có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch. Kể từ khi nhậm chức tháng 2/1999, và tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2007- 2013), Tổng thống Chavez và những người cùng chí hướng và lực lượng cánh tả đã thành lập Đảng Xã hội thống nhất Venezuela- PSUV (3/2008) để lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước, cam kết xây dựng “Chủ nghĩa Xã hội thế kỷ 21”, kiên quyết tiến hành cải cách kinh tế, xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, lạc hậu và bất bình đẳng ở Venezuela- một quốc gia có nhiều tiềm năng nhưng lại có 2/3 số dân sống nghèo khổ, thực hiện ước mơ giải phóng và tiến bộ của người Anh hùng Mỹ la tinh Ximon Bolivar. Kể từ năm 1999 đến nay, Venezuela đã có những bước thay đổi to lớn. Chính quyền của Tổng thống Chavez được Quốc hội ủng hộ đã quốc hữu hóa các ngành kinh tế quan trọng, thực thi các chính sách trợ cấp, trợ giá, khuyến khích lao động, mở các chiến dịch xóa nạn mù chữ, người nghèo được chữa bệnh miễn phí, được cấp nhà ở, tạo công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo từng bước được cải thiện. Hiện nay, Venezuela có nền kinh tế phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao nhất nhì ở khu vực Mỹ la tinh, giá trị thương mại năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2007, GDP đạt 236,4 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ đạt 33,48 tỷ USD; xuất khẩu đạt 69,17 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa đạt 50 tỷ USD.

Trong chính sách đối ngoại, Venezuela chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên tinh thần đề cao độc lập và chủ quyền dân tộc, chống cường quyền; đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và liên kết Mỹ la tinh- Caribe, đặc biệt tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Cuba vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bất công và bóc lột. Vị thế của Venezuela ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.

Khai thác, phát huy tiềm năng của mối quan hệ Việt Nam- Venezuela, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước là đòi hỏi  đang đặt ra cho mỗi quốc gia trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển toàn diện đất nước, bảo vệ hòa bình và thành quả cách mạng như Tuyên bố Cấp cao khảng định hai bên xây dựng “quan hệ đối tác toàn diện” nhân chuyến thăm Venezuela tháng 5/2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Chuyến thăm Venezuela của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là dịp để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo động lực mới đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam- Venezuela đi vào thực chất, hiệu quả và phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phồn vinh và và cũng là nguyện vọng của nhân dân hai nước.

*Diễn đàn APEC lần thứ 16 năm nay được tổ chức tại thủ đô Lima, Peru từ ngày 22-23/11. Trước đó, sẽ diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 20 (19-20/11/2008), Hội nghị các Quan chức cao cấp phiên cuối (SOM) từ 16-17/11/2008) và Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (từ 20-23/11/2008). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC 16.

Hội nghị cấp cao APEC 16 lần này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới ở vào giai đoạn khó khăn nghiêm trọng, đỉnh điểm là khủng hoảng tài chính, ngân hàng tại Mỹ, lan sang Châu Âu và các khu vực khác. Cuộc khủng hoảng bao gồm tài chính, nhiên liệu và lương thực đã tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, làm giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát tăng cao và đặt hầu hết các nước trước nhiều khó khăn. Vòng đàm phán Đô-Ha tiếp tục bế tắc.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Tuy vậy, các thoả thuận tự do thương mại song phương và khu vực (RTAS/FTAS) vẫn được đẩy mạnh, đặc biệt trong khu vực Châu á-thái Bình Dương.

APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác quan trọng. Trọng tâm hợp tác năm 2008 là các vấn đề kinh tế, thương mại, đối phó với các thách thức đang nổi lên như, khủng hoảng tài chính, lương thực, biến đổi khí hậu.

Theo đề xuất của nước chủ nhà Peru, Hội nghị cấp cao APEC 16- 2008 sẽ có chủ đề “Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ tập trung thảo luận 7 vấn đề quan trọng, gồm: (1) Khủng hoảng tài chính toàn cầu; (2) đối phó với việc tăng giá lương thực và hàng hóa; (3) vòng đàm phán Doha; (4) hội nhập kinh tế khu vực; (5) trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; (6) biến đổi khí hậu và (7) an ninh con người.

PV tổng hợp

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất