Thứ Hai, 30/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 18/8/2011 22:7'(GMT+7)

Hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”

 

Nội dung cơ bản của Đề án là tập trung bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân đông. Đối tượng của Đề án là các dân tộc thiểu số Việt Nam, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc mình. Địa bàn thực hiện Đề án sẽ ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và có nguy cơ bị mai một văn hóa, vùng dân tộc trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).

Đề án chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (2011-2015), mục tiêu là cơ bản đưa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 5.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa, và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. 50-60% số làng, bản, buôn, phum, sóc, thôn... có nhà văn hóa, chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện. Định hình và triển khai xây dựng đời sống văn hóa tại các khu tái định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Giai đoạn trước mắt từ nay đến năm 2015, Đề án sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020; Tổng kiểm kê các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; Ưu tiên đào tạo cán bộ là con em người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; Hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc của cộng đồng…

- Giai đoạn 2 (2016-2020), mục tiêu là cơ bản đưa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp về văn hóa. 70 - 85% số làng, bản, buôn, phum, sóc, thôn... có nhà văn hóa tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện. 60 - 80% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Đề án đưa ra 7 giải pháp, trong đó giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển. Đến năm 2020, 60-80% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình hoặc của dân tộc anh em sống trên địa bàn đã qua bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có chương trình bảo tồn khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ trước nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; phối hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình tại các địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, ưu tiên sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc.

Tổng kinh phí dự kiến của đề án là 1.512 tỷ đồng./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất