Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 15/10/2009 17:8'(GMT+7)

Hợp tác toàn cầu - con đường duy nhất chống biến đổi khí hậu

Những nạn nhân của cơn bão Ketsana tại Phi-líp-pin (Ảnh: Roi-tơ).

Những nạn nhân của cơn bão Ketsana tại Phi-líp-pin (Ảnh: Roi-tơ).

 
Nguyên nhân chính của hiện tượng này được xác định là do tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất theo chiều hướng nóng lên, do chính con người gây ra. Vì vậy, việc giảm nhẹ thiên tai không chỉ tập trung vào công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, mà việc ngăn chặn biến đổi khí hậu trên trái đất đang ngày càng được coi trọng bởi nó mang ý nghĩa sống còn.

Biến đổi khí hậu khiến thiệt hại ngày càng nặng

Năm nào các tổ chức lớn như Liên hợp quốc (LHQ), các quốc gia cũng kêu gọi giảm nhẹ thiên tai, nhưng thiệt hại vẫn ngày một lớn. Cách đây ít ngày, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tại Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu vừa tổ chức tại Thái Lan: Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ làm các nước đang phát triển thiệt hại từ 75 đến 100 tỉ USD/năm trong vòng 40 năm tới. Phó giám đốc phụ trách phát triển bền vững của WB, bà C.Xi-ê-ra (Katherine Sierra) cho rằng "cái giá trả cho việc thế giới ấm lên 2 độ C tương đương với giá trị của viện trợ phát triển ODA hiện nay". Vì vậy, các quốc gia đang phát triển cần chuẩn bị sẵn sàng những khoản chi phí cho cơ sở hạ tầng, bệnh dịch và những thiệt hại rất lớn trong sản xuất nông nghiệp cũng như những hậu quả khác không thể kiểm soát của biến đổi khí hậu. Báo cáo của WB cũng cho biết khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương, sau đó là Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê.

Không chỉ riêng châu Á – Thái Bình Dương, các nước Bắc Đại Tây Dương cũng có lo ngại tương tự. Mới đây các quan chức trong tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhấn mạnh tới điều này: Sự biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển dâng cao, hạn hán, sản lượng lương thực giảm, có thể dẫn đến những cuộc di dân lớn và nhiều cuộc xung đột có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hiện tượng tan băng ở Bắc Cực cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng trong khu vực, bởi nhiều nước sẽ cạnh tranh khai thác nguồn lợi từ tài nguyên biển ở khu vực này khi băng tan. Tổng Thư ký NATO cho rằng việc giải quyết những vấn đề an ninh phức tạp nảy sinh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là trách nhiệm không chỉ của các nhà lãnh đạo chính trị. Để giải quyết những vấn đề phức tạp này cần phải có sự hợp tác giữa các nước.

Hợp tác toàn cầu - con đường duy nhất chống biến đổi khí hậu

Một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu là sự gia tăng về cường độ, số lượng và độ bất thường của thiên tai. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã cảnh báo thế giới cần hành động tập thể và khẩn cấp chống biến đổi khí hậu để tránh thảm họa cho nhân loại. Ông Ban Ki Mun nhấn mạnh thế giới chỉ còn chưa đầy 10 năm nữa để hành động tránh thảm họa, vì vậy không một nước nào có thể thờ ơ hoặc hành động nửa vời chống biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) dự báo, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 25 triệu trẻ em vào tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2050. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm. Theo nghiên cứu của LHQ, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp làm tăng tỷ lệ bệnh sốt rét, tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do hàng loạt các yếu tố sinh thái bị biến đổi, dẫn đến sinh quần của các loài côn trùng gây hại biến động cả về số lượng và mức độ gây hại, trở nên khó phòng trừ và chữa trị hơn. Nhiệt độ tăng cao gây ra hiện tượng cực đoan của khí hậu, làm cho mùa màng thất bát, suy dinh dưỡng gia tăng, làm giảm khả năng kháng bệnh ở người.

Báo cáo hằng năm của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố khẳng định bên cạnh những cải thiện đáng kể về phát triển con người, sự bất bình đẳng giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn đang tồn tại dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng. Các hiện tượng khí hậu gần đây tại Việt Nam, Cam-pu-chia và Phi-líp-pin, có thể coi là lời "nhắc nhở lạnh lùng" của thiên nhiên tới cộng đồng quốc tế. Cần gấp rút hợp tác trong hành động để loại trừ hoặc giảm tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu. Trách nhiệm của các nước giàu là vừa xây dựng các nhà máy, công xưởng, nông trang “xanh” tại nước mình, lại vừa phải chuyển giao công nghệ đó tới các nước đang phát triển, tạo bước đột phá toàn cầu trong chống biến đổi khí hậu./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất