Căn cứ nhiệm vụ công tác hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện kế hoạch được giao. Đồng thời, duy trì hoạt động dự giờ giảng, rút kinh nghiệm đối với giảng viên; định kỳ thực hiện kiểm tra việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW và hoạt động chuyên môn; đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều nhóm giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng bồi dưỡng chính trị trên địa bàn, từ đó nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực thi nhiệm vụ, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
10 năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đã chủ động tham mưu với cấp ủy kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức, xác định đây là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ.
Hiện nay, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố có 56 cán bộ, nhân viên, trong đó cán bộ quản lý 27 đồng chí, giảng viên chuyên trách 15 đồng chí, cán bộ hành chính 14 đồng chí. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, 8 đồng chí có trình độ thạc sỹ (chiếm 14%), 48 đồng chí có trình độ đại học (chiếm 86%).
Về trình độ lý luận chính trị, 26 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị (chiếm 46%), 19 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị (chiếm 34%), 11 đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận chính trị (chiếm 20%).
100% (42 đồng chí) cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên là người trực tiếp làm công tác giảng dạy có trình độ chuyên từ đại học trở lên, trong đó có 8 thạc sỹ, 26 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị và có văn bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU, đến nay các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang và thành phố Hưng Yên hoàn thành việc hợp nhất chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị.
Nhìn chung, các huyện, thành phố đã đảm bảo đủ số lượng theo chỉ tiêu biên chế; cán bộ, giảng viên cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ; hầu hết các đồng chí nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác.
Cùng với đó, Trung tâm Bồi dưỡng các huyện, thành phố đã được tăng cường đầu tư sửa chữa, xây mới về cơ sở vật chất; mua mới và sửa chữa trang thiết bị phục vụ dạy và học. Hầu hết Trung tâm Bồi dưỡng các huyện, thành phố được xây dựng khang trang, có đủ phòng học cho học viên, mỗi trung tâm có ít nhất 1 hội trường và 1 phòng học, đủ phòng làm việc cho lãnh đạo và giảng viên; trang thiết bị phục vụ dạy và học như máy vi tính, âm ly loa đài, máy chiếu, máy điều hòa và các loại sách, tài liệu tham khảo phục vụ yêu cầu giảng dạy và học tập đều được quan tâm bổ sung mua sắm hàng năm.
Đội ngũ được đảm bảo, chế độ chính sách cho đội ngũ giảng viên, cho học viên được quan tâm, cơ sở vật chất ngày càng đáp ứng được nhu cầu, nhờ đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm được nâng lên. Hiện nay, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đang thực hiện 5 loại chương trình theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, Trung tâm còn thực hiện việc lồng ghép các báo cáo chuyên đề bổ sung do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, bao gồm: bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh; Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Công đoàn và cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đã coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường đối thoại, gắn lý luận với thực tiễn; lấy hoạt động của người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên; tăng cường hướng dẫn các bài tập xử lý tình huống, thực hành nhằm giúp người học vừa nắm được lý luận cơ bản, vừa nắm vững kỹ năng thực hành và giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở cơ sở.
Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đã xây dựng quy chế và khuyến khích cán bộ, giảng viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng, sử dụng hiệu quả các phương tiện phục vụ giảng dạy, tăng cường tính trực quan sinh động, giúp học viên tiếp thu tốt bài giảng. Sau mỗi lớp học, Trung tâm các huyện, thành phố đều tổ chức cho học viên viết bài thu hoạch, kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Đặc biệt có Trung tâm đã tiến hành đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng học viên bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận; nhiều Trung tâm tổ chức học viên đi nghiên cứu thực tế, gửi thông báo kết quả học tập về đơn vị có thí sinh tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Với việc vận dụng nhiều hình thức trong đánh giá học viên đã giúp người học nắm vững kiến thức đào tạo, bồi dưỡng, qua đó vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác tại địa phương.
Những năm qua, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ bảo đảm thời gian, đối tượng, nội dung theo đúng quy định; đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2008 đến tháng 9/2018, toàn tỉnh đã mở được 2.160 lớp với 197.308 học viên. Trong đó, hệ đào tạo sơ cấp lý luận chính trị đã mở được 89 lớp, cấp bằng tốt nghiệp cho 4.021 học viên; hệ bồi dưỡng đã mở được 2.071 lớp với 193.287 lượt học viên. Đối với việc thực hiện chủ trương phổ cập chương trình sơ cấp lý luận chính trị cho đảng viên 45 tuổi trở xuống theo Chỉ thị số 33-CT/TU, trong 2 năm 2009-2010, 14/14 huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai và hoàn thành chương trình phổ cập với 32 lớp, cấp bằng tốt nghiệp cho 2.159 học viên.
Tuy nhiên, công tác kiện toàn bộ máy ở một số Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố có lúc còn chưa kịp thời, biên chế giảng viên ở một số Trung tâm còn thiếu so với yêu cầu thực tế. Có Trung tâm cơ cấu cán bộ chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ, nhân viên hành chính chiếm hơn 30%; vẫn còn đồng chí lãnh đạo, giảng viên chưa đạt chuẩn về trình độ cao cấp lý luận chính trị. Một số giảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm và phương pháp sư phạm nên chất lượng giảng dạy còn hạn chế; một số giảng viên kiêm chức chưa dành nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng, phương pháp giảng dạy còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan với Trung tâm trong việc quản lý các lớp chưa chặt chẽ...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố tiếp tục xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu không ngừng nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tại địa phương; tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, lựa chọn và triển khai nhóm giải pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo Chỉ thị số 23-CT/TW, Kế hoạch số 118-KH/TU về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện chủ trương hợp nhất chức danh Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, ổn định về tư tưởng chính trị để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác; đồng thời nghiên cứu bổ sung, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Kế hoạch số 88-KH/TU.
Thứ hai, Trung tâm Bồi dưỡng huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; nghiêm túc thực hiện việc giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng dẫn hàng năm của Ban Tuyên giáo Trung ương và của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo quan điểm của nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và của các nghị quyết Hội nghị Trung ương, nghị quyết chuyên đề một cách đúng đắn và phù hợp vào bài giảng;nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, đổi mới phương pháp gắn lý luận với thực tiễn theo hướng lấy người học làm trung tâm.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, trong đó chú trọng nâng cao phương pháp sử dụng phương tiện dạy học hiện đại; bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ, nhất là bồi dưỡng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn đặt ra. Tăng cường ý thức kỷ luật, trách nhiệm, nêu gương và đạo đức nhà giáo của giảng viên trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khuyến khích cán bộ, giảng viên tự bồi dưỡng, thông qua việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng tư duy, sáng tạo…
Thứ tư, thường xuyên quan tâm bổ sung, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, chuẩn quốc gia.
Thứ năm, chú trọng các hoạt động giao ban công tác lý luận chính trị, giao ban chuyên môn, trao đổi, học tập kinh nghiệm; tập huấn, hướng dẫn các tài liệu, chương trình mới biên soạn giảng dạy tại Trung tâm.
Thứ sáu, tăng cường công tác tự kiểm tra; công tác kiểm tra, đôn đốc toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị tại các Trung tâm, trong đó tập trung kiểm tra, đánh giá công tác giảng dạy, học tập và chất lượng giảng dạy các chương trình lý luận chính trị; phương thức thi, đánh giá kết quả học tập; công tác quản lý học viên; đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại hàng năm của Trung tâm, đánh giá và xếp loại cán bộ, giảng viên theo hướng cụ thể, phù hợp, thiết thực và hiệu quả./.
Hữu Chất