Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các nhân sĩ, trí thức
yêu nước vào tháng 10/1946 (Ảnh tư liệu)
Những cái tên như Lê Thế Diên, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Hữu Trác, Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh… tuy không hẳn là lừng lẫy, nhưng vẫn rạng rỡ góp vào bầu trời trí tuệ nước Việt, góp phần tạo ra những nền tảng truyền thông về khoa học, giáo dục, y tế, văn học, nghệ thuật mang bản sắc dân tộc. Hưng Yên cũng là một trong số ít tỉnh trong cả nước còn giữ được di tích Văn miếu thuộc hàng tỉnh-nơi tôn vinh sự học, ghi danh đội ngũ trí thức khoa bảng của địa phương.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, những trí thức Hưng Yên cùng với các giai tầng khác đồng lòng theo Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cùng với xây dựng và bảo vệ quê hương, các trí thức của tỉnh nhà đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Những danh nhân như Phạm Huy Thông, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Công Hoan, Học Phi, Tô Ngọc Vân… không những làm rạng danh quê hương Hưng Yên, mà còn là những người tạo ra diện mạo văn hóa Việt Nam thời đại mới.
Phát huy truyền thống, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Số lượng trí thức Hưng Yên ngày một đông đảo hơn, vừa có năng lực, lại vừa trình độ; lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng của Đảng; luôn phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm cao với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, tổng số trí thức của tỉnh Hưng Yên đang công tác tại khối Đảng, đoàn thể và hành chính sự nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên là 21.602 người, trong đó có 825 người có trình độ tiến sĩ, 1.921 người có trình độ thạc sĩ, 18.856 người có trình độ đại học; 566 trí thức có trình độ cao cấp và 1.788 trí thức có trình độ trung cấp. Độ tuổi trí thức của tỉnh Hưng Yên những năm gần đây dần được trẻ hóa. Số trí thức có đội tuổi dưới 40 tuổi là 8.963 người, chiếm 41,5%; từ 40-50 tuổi là 7.198 người, chiếm 33,32%; trên 50 tuổi là 5.441 người, chiếm 25,18%.
Để có những bước đi đúng đắn, phù hợp điều kiện thực tế và đem lại kết quả cao, tỉnh Hưng Yên đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới cũng như ban hành cơ chế, chính sách bồi dưỡng, trọng dụng người tài. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó bồi dưỡng quản lý nhà nước cho 2.668 người; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho 11.752 người; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 30.377 người; bồi dưỡng Ngoại ngữ và Tin học cho 3.906 người. Ngoài ra, hằng năm có một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức tự bố trí thời gian, kinh phí đi học nâng cao trình độ đại học và trên đại học vào dịp cuối tuần hoặc ngoài giờ hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước, tỉnh còn cử một số cán bộ, công chức tham gia các đoàn thăm quan, khảo sát, nghiên cứu thực tế, học tập ngắn ngày và bồi dưỡng nghiệp vụ tại nước ngoài theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh và Trung ương.
Hiện nay, việc xét tuyển công chức, viên chức thực hiện theo quy trình, đảm bảo công khai, công bằng cho các đối tượng dự tuyển. Giai đoạn 2008-2017, tỉnh đã tuyển 5.885 viên chức; tuyển dụng 738 công chức thông qua hình thức thi tuyển; tuyển dụng 63 công chức không qua thi tuyển vào làm việc tại các sở: Y tế, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Thanh tra, Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Tài nguyên và Môi trường và các phòng thuộc Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố…đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành và có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Đã thu hút được 213 bác sĩ và 25 dược sĩ để bổ sung vào các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế theo Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ tốt nghiệp đại học chính quy về tỉnh công tác; tuyển dụng được 471 sinh viên về công tác tại xã, phường, thị trấn theo Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ trí thức đã thể hiện tính năng động, sáng tạo, có những đóng góp tích cực trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu nhất, phải kể đến những đóng góp của đội ngũ trí thức cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo - đây là lực lượng chủ yếu trong các đơn vị trường học, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được giữ vững, duy trì Hưng Yên thuộc tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục và đào tạo dẫn đầu toàn quốc. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,93%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,39%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,61%; tỷ lệ trúng tuyển đại học năm 2017 đợt 1 đạt 52,39%. Năm 2013, tỉnh Hưng Yên là tỉnh thứ 6 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Đội ngũ thầy cô giáo, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh (Đại học Sư phạm kỹ thuật, trường Cao đẳng nghề cơ điện thủy lợi...) có nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có giá trị trong cuộc sống.
Bên cạnh đó là những thành tựu của đội ngũ trí thức mang lại cho lĩnh vực y tế góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chỉ các bệnh viện tuyến trung ương thực hiện, nay đã được triển khai, áp dụng thành công ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh như: tiêu huyết khối não thất cấp cứu; phẫu thuật thay khớp háng; đo độ bão hòa oxy tĩnh mạch trộn; thông khí nhân tạo xâm nhập phương thức NAVA ≤ 8 giờ khám; mổ dao siêu âm, dao hàn mạch cho các trường hợp cắt gan, cắt dạ dày, đại tràng, các khối u trong ổ bụng; đặt ống stent mạch vành cho bệnh nhân mắc bệnh tim…
Cùng với đó, đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ đã triển khai nghiên cứu và áp dụng nhiều đề tài, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2008-2017, có 200 đề tài, dự án khoa học công nghệ được triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn như: Dự án “Duy trì hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015” đã chủ động được 100% nhu cầu hạt giống siêu nguyên chủng, trên 70% hạt giống nguyên chủng, đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh từ 10,8tấn/ha/năm (năm 2011) lên trên 13,2 tấn/ha/năm (năm 2015), giá trị sản xuất từ 30 triệu đồng/ha lên trên 60 triệu đồng/ha; đề tài “bảo tồn, khai thác và phát triển giống gà Đông Tảo” đã chọn được 250 con gà giống gốc Đông Tảo làm nguồn nhân giống chất lượng cung cấp cho nhân dân, thông qua đó giá bán gà Đông Tảo năm 2013, 2014 được một số phương tiện thông tin đánh giá là một trong số thịt gia cầm có giá bán cao nhất thế giới; nghiên cứu, biên soạn tập bài giảng môn lịch sử địa phương tỉnh Hưng Yên dành cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố và Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh; nghiên cứu, biên soạn tập bài giảng âm nhạc, mỹ thuật dành cho học sinh trung học cơ sở; đề tài “ứng dụng công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm gan B, hạn chế phát triển tế bào ung thư gan từ hoạt chất có trong củ nghệ và cây diệp hạ châu”; đề tài “đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi chức năng y học cho người khuyết tật tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014-2020”; “thực trạng và đề xuất giải pháp hạn chế bệnh đái tháo đường type II, tiền đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Xây dựng mô hình can thiệp tại huyện Khoái Châu”....
Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng giá trị cây lương thực, tăng nhanh giá trị cây công nghiệp, cây hoa, cây cảnh, rau quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều dự án, mô hình được triển khai cho hiệu quả kinh tế cao như: Dự án trồng lan hồ điệp, hoa ly, hoa cúc tại huyện Văn Lâm, Văn Giang; dự án trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Văn Giang và xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); dự án trồng chuối tiêu hồng vùng bãi ở Kim Động và Khoái Châu; mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VIETGAP; mô hình cho cá rô đồng đầu vuông sinh sản nhân tạo; mô hình nuôi cá chép lai V1; mô hình chăn nuôi gà lông màu, ngan Pháp, gà Ai Cập, vịt Super M3... Những đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, tình hình chính trị của tỉnh luôn ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) đạt 49,3 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (năm 2017 cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng - Thương mại, dịch vụ đạt 10,93% - 51,01% - 38,06%); kim ngạch xuất khẩu ước 3.680 triệu USD. Tổng thu ngân sách ước 11.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, so với yêu cầu của công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế như: lực lượng trí thức làm công tác nghiên cứu khoa học và chuyên gia đầu ngành trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu; đóng góp của trí thức vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương vẫn chưa ngang tầm so với yêu cầu. Lực lượng trí thức phân bố không đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh, chủ yếu tập trung tại các trường học, các sở, ban, ngành của tỉnh. Việc thu hút trí thức có trình độ cao về tỉnh công tác còn ít; ở một số ngành còn xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách về thu hút, đào tạo, trọng dụng trí thức của tỉnh chưa theo kịp với sự phát triển và biến động về tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, chưa thực sự tạo được động lực để thu hút, phát huy vai trò, khả năng của đội ngũ trí thức.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật. Nguồn: Internet
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do tỉnh Hưng Yên mới được tái lập, đội ngũ cán bộ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác thực tiễn. Cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức của tỉnh chưa đủ mạnh, môi trường, điều kiện làm việc có nơi còn khó khăn nên chưa thu hút được nhiều trí thức trẻ, nhất là sinh viên giỏi mới tốt nghiệp về công tác tại các cơ quan của tỉnh. Công tác quy hoạch, đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức còn dàn trải, chất lượng giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc triển khai chủ trương thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chậm, do đó, chưa phát huy tốt khả năng sáng tạo và cống hiến của đội ngũ trí thức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, thời gian tới tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 90-KL/TW, Chương trình hành động số 18-CTr/TU về xây dựng đội ngũ trí thức; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức cống hiến, phát huy năng lực, trí tuệ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức để toàn xã hội hiểu đúng về vai trò, vị trí quan trọng của trí thức và đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ trí thức của tỉnh, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách cụ thể thu hút trí thức trẻ đã được đào tạo chính quy, có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt về tỉnh công tác; tạo điều kiện để trí thức mở rộng giao lưu, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước; khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ… đáp ứng tình hình mới. Cùng với đó, Hưng Yên cần tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức hội trí thức, thu hút ngày càng nhiều trí thức tham gia trong các tổ chức hội, nhất là Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật và các hội ngành nghề khác; kịp thời ghi nhận, động viên, tôn vinh những trí thức tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển của tỉnh…
“Phi trí bất hưng”, với đội ngũ trí thức khá hùng hậu, nhiệt tâm với công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, Hưng Yên tiếp tục vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đạt những mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra./.
Nguyễn Điệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên