Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 27/6/2019 14:34'(GMT+7)

Hướng phát triển bền vững cho các văn hóa phẩm trực tuyến

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng văn hóa phẩm được đăng tải, phát hành trên internet đã tăng lên đáng kể và không chỉ dừng lại ở một vài tên tuổi vốn đã quen thuộc. Từ các sản phẩm nghiệp dư, ra đời một cách tự phát, dần dà chất lượng, công sức đầu tư cho các văn hóa phẩm mạng đã khiến nhiều nhà xuất bản, hãng phim,... phải kinh ngạc về mức độ "chịu chơi" của những sản phẩm này.

Dự án phim chiếu mạng Phượng khấu có thể xem là minh chứng tiêu biểu cho sự thịnh hành và phát triển của văn hóa phẩm mạng trong thời gian qua. Trong bối cảnh các đạo diễn điện ảnh như ngó lơ với thể tài lịch sử, Phượng khấu được xem như một dự án điện ảnh táo bạo khi nội dung của tác phẩm này xoáy quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (hay còn được biết đến rộng rãi với tôn hiệu Từ Dụ Hoàng thái hậu) - một trong những nhân vật lịch sử quan trọng của triều đình nhà Nguyễn. Kinh phí của bộ phim được ước tính lên đến 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phượng khấu cũng thu hút sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng và triển vọng như NSƯT Thành Lộc, Hồng Ðào, Kiều Trinh, Trịnh Tú Trung, Thanh Tú.

Ðáng chú ý, Phượng khấu không phải là dự án phim chiếu mạng đầu tiên và duy nhất được đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc. Trước đó, tháng 12/2017, bộ phim Glee Việt Nam phát sóng trên các dịch vụ xem phim trực tuyến Danet, ZingTV, FPTplay cũng gây được tiếng vang khi các nhà sản xuất trong nước đã mua lại bản quyền bộ phim âm nhạc nổi tiếng này từ tập đoàn giải trí 20th Century Fox (được đánh giá là một trong sáu tập đoàn truyền thông lớn nhất nước Mỹ).

Chính sự xuất hiện của các dự án sản xuất phim giàu tham vọng với kinh phí đầu tư đến hàng tỷ đồng như Glee Việt Nam, Ai chết giơ tay, Tay buôn, buôn tay,... và mới đây là Phượng khấu đã cho thấy một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các website, ứng dụng giải trí, chiếu phim trực tuyến với các đơn vị truyền hình truyền thống; đồng thời, cũng làm thay đổi quan điểm của khán giả Việt Nam về web series thời gian qua, nhất là khi trào lưu làm phim chiếu mạng có chủ đề bạo lực, khiêu dâm, kinh phí thấp đang "nở rộ" chưa thể giải quyết triệt để trên Youtube, Facebook.

So với sự bùng nổ của phim chiếu mạng, văn học mạng và truyện tranh mạng có những bước tiến chậm rãi và âm thầm hơn, bất chấp việc từng được dự đoán như xu thế phát triển tất yếu để đáp ứng sự thay đổi thói quen của người đọc hiện đại. Dẫu vậy, không thể phủ nhận một thực tế là đội ngũ sáng tác của hai hình thức này có lượng người ủng hộ ổn định về tài chính lẫn tinh thần để họ duy trì công việc viết và vẽ.

Các hình thức quyên góp từ "Mạnh thường quân" cũng khá đa dạng. Chẳng hạn, Nguyễn Thế Hoàng Linh sử dụng hình thức "gói duyệt wall" để kêu gọi sự trợ giúp của độc giả. Khi ủng hộ Nguyễn Thế Hoàng Linh một khoản tiền lệ phí, người đọc được phép theo dõi những nội dung đặc biệt được đăng tải ở chế độ riêng tư của tác giả.

Một số nhà văn, họa sĩ trẻ lại lựa chọn việc quảng cáo giúp các đơn vị, nhãn hàng tài trợ để phục vụ đam mê sáng tác đưa lên mạng của họ như Bùi Ðình Thắng (Thắng Fly), Thái Ngọc và một số tác giả khác. Cùng với sự ra đời, phát triển của quỹ cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về lĩnh vực văn hóa, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng đang được tạo điều kiện để đưa "đứa con tinh thần" đến với người đọc. Trong đó, có sáng tác đã trở thành đầu sách in bán chạy, nhận được đánh giá tốt từ phía công chúng phổ thông, đơn cử như trường hợp Trên đường băngCafé cùng Tony của Tony Buổi Sáng, Cuộc đời tròn hay méo của Cu Trí, bộ truyện tranh Ðời đơn giản là buồn cườiDịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt của tác giả Lê Bích, tập sách Sự đã rồi anh ngồi anh hát của Lu...

Trong khi đó, trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam, nhạc số dường như đang thắng thế các hãng ghi âm, băng đĩa. Ngày nay, nghệ sĩ Việt Nam có vẻ ít sự hứng thú đối với việc sản xuất, ra mắt các album, đĩa đơn để phục vụ khán giả. Ở chiều ngược lại, dường như thính giả mua album âm nhạc với mục đích sưu tầm hơn là phục vụ sở thích nghe nhạc. Thay vào đó, lựa chọn phát hành các tác phẩm âm nhạc theo hình thức trực tuyến ngày một phổ biến, nhất là nghệ sĩ trẻ thuộc các trào lưu rap, rock, indie (âm nhạc độc lập).

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các website nhạc số hiện nay được thể hiện qua việc sở hữu các gương mặt, ca khúc độc quyền. Ðáng chú ý, sân chơi này không chỉ có sự tham gia của các "ông lớn" trong nước, mà còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhạc số đến từ nước ngoài.

Nhìn ra thế giới, trào lưu xuất bản, phát hành văn hóa phẩm trực tuyến đã không còn xa lạ, thậm chí còn tạo nên thành công cho nhiều tập đoàn công nghệ, đồng thời gây áp lực không nhỏ cho ngành công nghiệp giải trí truyền thống.

Không quá lời khi cho rằng chính phim chiếu mạng, sách điện tử là tiền đề cho những đế chế mới của công nghiệp văn hóa như Amazon, Netflix hay Youtube tấn công thị trường toàn cầu. Thí dụ từ một doanh nghiệp cho thuê băng đĩa trực tuyến, Netflix trở thành một tập đoàn cung cấp dữ liệu video thu phí theo yêu cầu với lợi nhuận lên tới gần 16 tỷ USD trong năm 2018. Ðáng chú ý, nguồn thu nhập này có đóng góp đáng kể từ những bộ phim truyền hình và phim điện ảnh do Netflix đầu tư, công chiếu độc quyền trên website và ứng dụng của tập đoàn này.

Tương tự là trường hợp của Amazon với mảng sách điện tử nổi tiếng của mình. Trong nhiều năm, tập đoàn này không chỉ tập trung phát triển phần mềm, ứng dụng, thiết bị đọc sách, mà còn tìm kiếm, hỗ trợ các tác giả độc lập, nghiệp dư.

Ở khu vực châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là các quốc gia mà thị trường văn hóa phẩm mạng đang thách thức làng giải trí, nghệ thuật chính thống. Thậm chí tại Hàn Quốc, xu hướng mua kịch bản, chuyển thể từ các web toon, web fiction để sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh đã diễn ra từ hàng chục năm nay và thu được nhiều kết quả khả quan. Ở chiều ngược lại, trước khi chào bán tác phẩm của mình cho các tập đoàn lớn, các tác giả văn học, truyện tranh hay đạo diễn phim chiếu mạng tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn có thể kiếm được những khoản tiền lớn nhờ website thu phí và sự ủng hộ từ người hâm mộ.

Trước làn sóng xuất bản, phát hành văn hóa phẩm bằng con đường trực tuyến mang tính toàn cầu như vậy, những hành động cụ thể của một số công ty giải trí, tác giả, nghệ sĩ tại Việt Nam cho thấy một sự thức thời và táo bạo. Ðiều này càng trở nên đặc biệt hơn khi các tập đoàn khổng lồ về cung cấp dịch vụ phim chiếu mạng, văn học mạng, nhạc trực tuyến có trả phí hoặc miễn phí... như Netflix, Spotify, rồi có thể là Amazon sẽ vươn tới Việt Nam.

Trong ba cái tên được nêu, Spotify dường như đã khá nhanh chân khi họ không chỉ cung cấp dịch vụ, mà còn hợp tác trực tiếp với nhiều nghệ sĩ, ban nhạc trẻ, ca sĩ tiềm năng và nổi tiếng tại Việt Nam như Ðen Vâu, Ngọt Band. Về phía Netflix, dịch vụ này cũng đang "Việt hóa" kho phim độc quyền của họ với tốc độ nhanh chóng mặt.

Rõ ràng, việc các tập đoàn nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ phim, âm nhạc, văn học trực tuyến đang "phả hơi nóng" vào cộng đồng mạng Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này tại nước ta còn tương đối lớn, đặc biệt là khi đối chiếu với lượng người dùng internet khổng lồ hiện nay. Ðó là chưa kể các đơn vị cung cấp những dịch vụ tương tự tại Việt Nam vẫn còn non trẻ, chưa hợp tác được với nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế.

Như vậy, nếu không có chiến lược, động thái phù hợp về phát triển văn học mạng, phim chiếu mạng nói riêng cùng các loại hình văn hóa phẩm trực tuyến nói chung, thị trường này có nguy cơ rơi vào tay các ông lớn ở nước ngoài. Sự xâm nhập và phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Twitter đã cung cấp bài học rất cụ thể cho vấn đề này.

Thực tế nêu trên đã cho thấy sự cần thiết của một chiến lược phát triển dịch vụ cung cấp văn hóa phẩm trực tuyến có tính lâu dài tại Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi từ nhiều phía bao gồm: các tập đoàn giải trí, các nhà sản xuất, các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trong đó, bên cạnh việc bổ sung quy định về pháp luật, chế tài quản lý chất lượng các văn hóa phẩm trực tuyến, đã đến lúc cần phải tạo ra các sân chơi, bảng xếp hạng, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích hướng đi mới này. Thí dụ việc cho phép những dự án điện ảnh, văn học, âm nhạc mạng có chất lượng được tham gia các cuộc thi, cạnh tranh trực tiếp với tác phẩm được xuất bản, phát hành theo hình thức truyền thống. Ðây thực tế cũng là hướng đi của các tập đoàn lớn như Netflix. Không thể phủ nhận nhiều bộ phim độc lập, trình chiếu độc quyền trên nền tảng web và ứng dụng video do tập đoàn này đầu tư đã tham dự và giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế quan trọng. Từ thành tựu được ghi nhận qua các giải thưởng này, Netflix vừa nâng cao được uy tín, vừa thu hút thêm khán giả trên thế giới đến với họ.

Kinh nghiệm từ Netfilx và nhiều dịch vụ cung cấp video, sách, ấn phẩm trực tuyến có thu phí chắc chắn là tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp, tác giả, nghệ sĩ Việt Nam khi tham gia một thị trường mới và sôi động.

Với sự ủng hộ từ phía người sử dụng internet, web drama, web fiction và nhiều loại văn hóa phẩm được phát hành trên website, ứng dụng theo hình thức miễn phí và trả phí hứa hẹn sẽ có những đột phá trong thời gian tới; và cùng với đó là sự tăng trưởng của doanh nghiệp cung ứng các loại hình giải trí này. Ðây vừa là thời cơ song cũng là thách thức không nhỏ đối với các tập đoàn giải trí, giới nghệ sĩ. Bởi lẽ, nếu không tận dụng cơ hội, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng những nội dung rẻ tiền được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, blog, youtube và nhiều ứng dụng di động như hiện nay, thì việc đánh mất thị phần, số lượng người truy cập, theo dõi vào tay các tập đoàn giải trí nước ngoài sẽ chỉ còn là câu chuyện thời gian./.

Phan Kỷ (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất