Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 13/3/2009 23:19'(GMT+7)

Huy động tổng lực cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở

Cuộc tổng điều tra nhằm thu thập số liệu phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên cả nước, đồng thời cung cấp thông tin đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2000-2009 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, phục vụ công tác giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ đã cam kết.

Ông Đồng Bá Hướng- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (Tổng cục Thống kê) đã  trao đổi về về công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra lần này.

Thưa ông, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa thì cuộc Tổng điều tra dân số triển khai . Xin ông cho biết công việc chuẩn bị cho công tác tổng điều tra này đã được tiến hành như thế nào?

Ông Đồng Bá Hướng- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo
(BCĐ) tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương

Công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra đã được tổ chức khá đầy đủ. Đương nhiên còn một số hoạt động tiếp tục tiến hành từ nay đến cuối tháng 3, trước thời điểm Tổng điều tra. Công tác chuẩn bị cho tổng điều tra bao gồm 3 mảng công việc lớn: Một là những mảng việc liên quan đến công tác nghiệp vụ và giám sát. Chúng tôi đã tiến hành in và phân phối hàng loạt tài liệu về tổng điều tra cho các cấp và các ngành. Thứ hai là tiến hành xác định ranh giới lãnh thổ hành chính, triển khai công tác vẽ sơ đồ, lập bảng kê trong cả nước để làm căn cứ cho công tác tổng điều tra được tổ chức và làm công cụ để cho điều tra viên tiếp cận với các hộ điều tra. Phối hợp với Đài Truyền hình và Đài TNVN để sản xuất một số công cụ phục vụ cho công tác huấn luyện, cũng như hỗ trợ cho công tác tuyên truyền cho cuộc tổng điều tra. Những đợt điều tra tổng duyệt để thử nghiệm toàn bộ phương án tổng điều tra đã được triển khai, đảm bảo khi tiến hành tổng điều tra sẽ tránh được những vấp váp có thể xảy ra. Một số  hội nghị triển khai công tác tổng điều tra cho BCĐ các cấp và các ngành đồng thời cũng đã tiến hành một loạt các hoạt động tập huấn về công tác quản lý, công tác vẽ sơ đồ lập bảng kê, về nghiệp vụ điều tra cho các cấp và các ngành. Chúng tôi cũng tiến hành công tác vẽ sơ đồ và lập bảng kê trong cả nước.
Sắp tới, một hội nghị trực tuyến sẽ được tổ chức để kiểm điểm, đánh giá lại toàn bộ công tác chuẩn bị của các cấp và các ngành, để giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc trước khi vào thời điểm tổng điều tra để các cấp ra quân trong cả nước.

Thưa ông, ở những địa bàn ở miền núi, hoặc hải đảo xa xôi, thì BCĐ cùng các địa phương đã có kế hoạch như thế nào để triển khai tốt đợt tổng điều tra lần này?

Đối với những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, chúng tôi là sẽ tiến hành một số công việc như tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung tổng điều tra để giúp nhân dân hiểu rõ và thấy được trách nhiệm của mình cần phải làm gì và cần chuẩn bị những việc gì để giúp cho cán bộ điều tra thu thập thông tin được chính xác. Thứ hai, tiến hành vẽ sơ đồ và lập bảng kê của từng hộ, từng ngôi nhà để làm căn cứ cho cán bộ điều tra tiếp cận hộ được chính xác, nhanh chóng. Cách tổ chức tổng điều tra rất thuận lợi cho nhân dân, cán bộ tại thôn, ấp, bản được tập huấn để trở thành những điều tra viên tại chỗ, góp phần hạn chế việc đi lại một cách vất vả, tốn kém.

Nội dung của đợt tổng điều tra lần này có gì mới so với đợt tổng điều tra cách đây 10 năm, thưa ông?

Trong tổng điều tra lần này, ngoài nội dung như lần trước (vào năm 1999), có mở rộng thêm 3 nội dung mới: điều tra về người khuyết tật, về thị trường lao động và thêm những nội dung chất lượng nhà ở.

Thưa ông, mẫu của phiếu điều tra lần này, chúng ta có tham khảo những nội dung hoặc những kinh nghiệm của các nước trên thế giới hay không?

Trong quá trình thiết kế mẫu, chúng tôi cũng đã cử nhiều đoàn đi khảo sát kinh nghiệm của một số nước, đồng thời mời chuyên gia các nước đến hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Trong các cuộc tổng điều tra trước đây, mẫu chỉ thiết kế với qui mô từ 3 đến 5%, chủ yếu chỉ thu thập 2 thông tin về sinh và chết. Lần này, mẫu được mở rộng tới 15% tổng số địa bàn trong cả nước. Như vậy là qui mô gấp 3 lần so với qui mô mẫu của các cuộc tổng điều tra trước. Chính vì thế, chất lượng mẫu, độ tin cậy của số lượng mẫu lần này rất cao. Điều này cho phép ta có thể nghiên cứu sâu số lượng mẫu cho tới tận cấp huyện, thay vì trước đây ta chỉ có thể nghiên cứu số lượng mẫu đến cấp tỉnh mà thôi. Tương ứng với kỹ thuật mẫu như vậy, Ban chỉ đao đưa ra hai mẫu phiếu: mẫu một là mẫu điều tra áp dụng cho toàn bộ các hộ trong cả nước. Và  loại mẫu phiếu thứ hai là phiếu điều tra chọn mẫu chỉ điều tra 15% tổng số địa bàn trong cả nước.

Thưa ông, trong đợt tổng điều tra dân số này, lực lượng điều tra viên mà chúng ta huy động trong cả nước là bao nhiêu người và chúng ta có phải huy động đến những lực lượng tình nguyện viên hay không?

Lực lượng tham gia tổng điều tra lần này, kể cả lực lượng điều tra viên và tổ trưởng điều tra khoảng 30 vạn người trong cả nước. Những người tham gia tổng điều tra, ngoài lực lượng trực tiếp thu thập thông tin như điều tra viên và tổ trưởng, thì còn có cả ban chỉ đạo các cấp và văn phòng giúp việc BCĐ các cấp. Ngoài ra, theo chỉ thị 27 của Ban chí thư TƯ Đảng, thì toàn bộ lực lượng Đảng viên, các tổ chức Đảng trong cả nước cũng sẽ tham gia tích cực vào công tác tổng điều tra và cũng căn cứ theo qui định của TƯ thì các đoàn thể quần chúng như phụ nữ, thanh niên hội nông dân, mặt trận Tổ quốc… cũng đều tham gia tích cực cho cuộc tổng điều tra. Lực lượng học sinh là lực lượng nòng cốt cho công tác tuyên truyền tổng điều tra. BCĐ TƯ cũng đã có làm việc với Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo đã ban hành thông tư huy động toàn bộ lực lượng giáo viên và học sinh trong cả nước tham gia tuyên truyền cho cuộc tổng điều tra.

Thưa ông, trong những phiếu điều tra, cũng như trong nghiệp vụ điều tra, chúng ta sẽ chú trọng những vấn đề gì để có thể có được những con số thực chất nhất về tình hình dân số và nhà ở trong cả nước ?

Để thu thập đưụơc những thông tin chính xác về tổng điều tra thì về công tác tuyên truyền có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì cuộc tổng điều tra sẽ liên quan đến từng cá nhân, từng hộ gia đình trong cả nước. Chính những gia đình, những nhân khẩu thường trú ở tất cả các địa bàn sẽ là người cung cấp thông tin, nên cũng cần phải tuyên truyền cho họ hiểu rõ về mục đích của đợt tổng điều tra, cách khai báo như thế nào để nắm được những thông tin thực chất. Cuộc tổng điều tra này không liên quan nhiều đến những chính sách,  như hộ khẩu, hoặc những vấn đề giải quyết chính sách, xã hội như đất đai, nhà cửa. Mục tiêu của cuộc tổng điều tra là phải nắm được thông tin đúng. Kết quả điều tra không ảnh hưởng gì đến giải quyết chính sách KT-XH lâu nay. Chẳng hạn như thực chất một người có thể đăng ký hộ khẩu ở một nơi, nhưng thường xuyên ở nơi khác, thì cũng sẽ điều tra theo nơi mà người ta thường xuyên ở, không ràng buộc gì đến những vấn đề hộ khẩu hoặc sở hữu đất đai hoặc những vấn đề nhạy cảm với những vấn đề KT-XH khác.

Ở nước ta có tình trạng dân di cư,  lao động ngoại tỉnh về các thành phố lớn, hoặc những người lang thang cơ nhỡ . Đối với những đối tượng đặc biệt này, công tác điều tra sẽ tiến hành như thế nào?

Đối với những người di cư đi làm ăn ở địa phương khác, trong qui định về nghiệp vụ sẽ lấy tiêu chuẩn 6 tháng để làm căn cứ xác định. Tức là một người mà đã rời gia đình để đi làm ăn ở nơi khác từ 6 tháng trở lên thì sẽ được điều tra ở nơi mới. Ngược lại những người rời gia đình dưới 6 tháng thì vẫn điều tra tại hộ gia đình cũ, trước khi họ đi. Bởi vì dân số luôn luôn biến động, nên qui đinh tiêu chuẩn 6 tháng là một căn cứ quan trọng để xác định chính xác, tránh điều tra trùng và bỏ sót trong điều tra.

Thưa ông, việc tổng hợp xử lý những số liệu mà chúng ta tập hợp được sẽ được tiến hành như thế nào?

Đây là lần đầu tiên Việt Nam bắt đầu áp dụng một công nghệ mới cho công tác xử lý số liệu. Đó là công nghệ nhận biết ký tự thông minh hoặc nói ngắn gọn là công nghệ quét, tức là toàn bộ những phiếu điều tra sẽ được đưa vào máy quét và công nghệ này nó cho phép thu được thông tin chính xác nhất. Trước đây, chúng ta sử dụng công nghệ bàn phím, thì sự sai số của những người bấm phím thì rất cao, có thể tới 30 đến 40%. Lần này dùng công nghệ quét,  những sai sót trong quá trình nhập số liệu vào máy sẽ không xảy ra, đảm bảo kết quả chính xác. Công nghệ này rất thuận tiện cho việc lưu giữ cơ sở giữ liệu một cách lâu dài. Công tác tổng hợp bằng máy, nhất là công nghệ quét  phải xử lý tập trung, bởi vì công tác quản lý nó, sử dụng nó có những đòi hỏi về mặt kỹ thuật cao hơn, cách quản lý cũng phải chặt chẽ hơn. Vì vậy, BCĐ TƯ quyết định sẽ đặt 3 trung tâm xử lý số liệu ở 3 vùng Bắc-Trung-Nam ( Hà Nội- Đà Nẵng và TPHCM).  Trong vòng 6 tháng sẽ xử lý xong kết quả điều tra mẫu và trong vòng 9 tháng thì xong kết quả điều tra toàn bộ. Như vậy, kết quả xử lý lần này sẽ tiết kiệm được một nửa thời gian so với các cuộc tổng điều tra dân số trước đây.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Nội dung tổng điều tra dân số và nhà ở lần này gồm nhiều nội dung: dân số chia theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị, nông thôn; trình độ học vấn và thực trạng về nhà ở; điều tra trên phạm vi 15% tổng số dân cả nước về tình trạng di cư; tình trạng khuyết tật; tình hình lao động - việc làm; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số và một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư.

Thời gian thu thập số liệu của cuộc tổng điều tra là 15 ngày, bắt đầu từ 1/4/2009. Số liệu sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 7/2009. Số liệu điều tra chọn mẫu được công bố vào quý IV/2009. Số liệu điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào quý III/2010.

Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở cấp trung ương do Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã làm trưởng ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở cấp tỉnh, huyện, xã.

Tổng dự toán kinh phí thuộc nguồn Ngân sách Nhà nước do cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là 570 tỷ đồng. Năm 2008, Bộ Tài chính đã tạm cấp 75 tỷ đồng; năm 2009 là 405 tỷ dồng. Quĩ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho việc thực hiện điều tra thí điểm, điều tra tổng duyệt và in tài liệu tuyên truyền; tập huấn cho cán bộ điều tra. Ngân hàn thế giới (WB) thực hiện dự án vốn vay khoảng 1 triệu USD để mua sắm trang thiết bị (công nghệ quét) để xử lý kết quả Tổng điều tra.


Trường Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất