Thứ Hai, 30/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 20/2/2010 11:58'(GMT+7)

ICT Việt Nam: Hướng tới những đỉnh cao mới

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông

VnMedia đã có cuộc trao đổi với TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, về những thành tựu mà ngành ICT Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua và những cơ hội phát triển lớn trong những năm tiếp theo. TS. Mai Liêm Trực là một trong 10 nhân vật tiêu biểu cho sự phát triển ngành ICT Việt Nam của thập kỷ qua cũng như sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của CNTT Việt Nam.

- PV: Thưa ông, là người theo sát CNTT Việt Nam từ những ngày đầu ông có nhận xét gì về bức tranh tổng quan ICT trong 10 năm qua?

- TS. Mai Liêm Trực: Trong 10 năm vừa qua, ICT là một bức tranh đẹp và phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, năng động và thông thoáng trong quản lý nhà nước, phát triển mạnh mẽ thị trường, dịch vụ, công nghệ mới, cùng với sự tham gia tích cực từ phía các doanh nghiệp. Điều này gây ngạc nhiên cho không chỉ các nhà báo nước ngoài, các doanh nhân, Việt kiều, các quan chức nước ngoài mà ngay với chính tôi cũng thấy bất ngờ trước những thành tựu đó.

Việc chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh là một quá trình chuyển đổi hết sức khó khăn ở nhiều nước. Ở Việt Nam chúng ta đã chuyển đổi thành công. Việc các doanh nghiệp cùng tham gia làm cho thị trường viễn thông Việt Nam được phổ cập mạnh mẽ với chất lượng tốt, giá cước giảm rất nhiều, nhất là các dịch vụ viễn thông Internet và điện thoại di động. Tôi rất xúc động và vui mừng khi thấy những người bán rau cầm điện thoại di động, người xe ôm cũng gọi di động, nông dân vùng sâu vùng xa đều có thể dùng được điện thoại và Internet.

- Về điểm nhấn tạo nên sự phát triển cho ICT Việt Nam thì theo ông sự kiện nào là nổi bật nhất?

Tôi ấn tượng nhất về sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam. Các doanh nghiệp này dù lớn hay nhỏ đều đã tạo nên sự sôi động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu cuối cùng của dịch vụ công nghệ thông tin là các dịch vụ cho người sử dụng công nghệ thông tin chứ không phải cho các nhà làm ra công nghệ thông tin, cho nên sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông đã tin tạo ra sự ứng dụng sâu rộng trong xã hội cũng như đã thực hiện những năng lực mà Việt Nam có. Bước đột phá ấn tượng là từ việc xuất khẩu các sản phần mềm mà các doanh nghiệp của Việt Nam đã bước ra các thị trường bên ngoài để cạnh tranh như VDC, Glasseggs, Vina Game, FPT, …

- Bước sang năm 2010 cùng với dịch vụ mới của 3G và công nghệ phần mềm, vậy hướng đi mới của Việt Nam là gì thưa ông?

Thị trường CNTT Việt Nam sang thập kỷ mới vẫn sẽ phát triển sôi động. Không nghi ngờ gì nữa, băng thông rộng chắc chắn sẽ là nhu cầu phổ thông của xã hội trong tương lai. Giống như 10 năm trước đây máy điện thoại di động là loại hàng hóa xa xỉ nhưng giờ đây điện thoại di động trở thành hàng hóa tiêu dùng bình thường.

Hiện tại điện thoại di động 3G của Việt Nam vẫn khá mới mẻ, nhưng tôi vẫn mong muốn chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ và giá rẻ của 3G để chúng ta phát triển ngay trong những năm tiếp theo. Vì tuổi của công nghệ, tuổi của dịch vụ ngày càng ngắn, cho nên nếu 3G không phát triển tốt để kéo dài thời gian hoàn vốn thì 4G sẽ vào trong vài ba năm tới, điều đó sẽ làm cho các nhà mạng lúng túng khi chưa kịp hoàn vốn giữa công nghệ này đã phải tiếp cận với công nghệ khác.

- Thời gian vừa qua các nhà mạng mong muốn thêm một số vào dãy số 9x để mở rộng kho số của mình. Theo công nghệ hiện nay thì chúng ta có thể sử dụng bất cứ một mạng nào mà vẫn có thể giữ nguyên số cũ của người dùng. Vậy công nghệ đó có thể áp dụng vào Việt Nam không thưa ông?

Việc mở rộng đầu số là một yêu cầu khách quan để phục vụ cho người sử dụng ngày càng cao, tuy nhiên thời điểm để quyết định việc tăng đầu số phụ thuộc vào một số yếu tố. Thứ nhất là dự báo thị trường sắp tới. Thứ hai là phụ thuộc vào công nghệ tại thời điểm đó có thể sử dụng được, không tăng quá nhiều lần (10 năm, hoặc 20 năm tăng 1 lần), hay thay đổi quá sớm (10 năm hoặc 20 năm thay đổi 1 lần), vì mỗi lần thay đổi sẽ gây khó khăn cho người sử dụng. Vì vậy, thay đổi là việc của từng giai đoạn và phụ thuộc vào khả năng và sự năng động chuyển đổi công nghệ giữa các nhà mạng cũng như tư duy của nhà điều hành mạng (quản lý nhà nước).

Công nghệ giữ nguyên số cũ mà vẫn sử dụng mạng khác ở các nước đã sử dụng được. Ở Việt Nam các nhà mạng và nhà điều hành mạng nên thấu đáo về việc này để tính toán thời điểm và số lượng để áp dụng. Yêu cầu là có nhưng vấn đề làm thế nào để hiệu quả và sử dụng công nghệ để tối ưu nhất vì lợi ích của người sử dụng. Việc này tôi cũng theo dõi và thấy đang có một quá trình chuẩn bị khá chu đáo của các nhà mạng và phản biện của xã hội, tôi cho rằng đó là dấu hiệu rất tốt cho việc này.

- Xin cảm ơn ông!

Bảo Hải - VnMedia



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất