Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 1/4/2012 8:46'(GMT+7)

Kết quả bước đầu xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng giai đoạn 2009-2011

Bà con đồng bào DTTS Lâm Hà chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất cà phê.

Bà con đồng bào DTTS Lâm Hà chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất cà phê.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các bộ liên quan và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tập trung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chung nông thôn mới với mức kinh phí thực hiện cho mỗi xã không quá 300 triệu đồng, riêng các xã đã thực hiện trước ngày 25-8-2011 thì vẫn thực hiện như đã phê duyệt trước đó.

Năm 2010, tổng vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn xây dựng 11 xã điểm của Lâm Đồng là 338.958 tỷ đồng; trong đó, vốn nhân dân đóng góp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM là 17,521 tỷ đồng; vốn vay tín dụng là 223, 072 tỷ đồng; vốn Chương trình xây dựng NTM là 11 tỷ đồng (được bố trí chủ yếu làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tu sửa UBND xã và công tác tuyên truyền); vốn lồng ghép từ các chương trình khác là 86, 04 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp tham gia là 1,325 tỷ đồng.

Năm 2011, tổng vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn 35 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 – 2015 là 3.241,974 tỷ đồng; trong đó, vốn Chương trình xây dựng NTM là 52,974 tỷ đồng (ngân sách tỉnh là 35 tỷ đồng/35 xã để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá xã, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tu sửa UBND xã; ngân sách Trung ương là 17,974 tỷ đồng, tập trung làm công tác quy hoạch, thủ tục chuẩn bị đầu tư); vốn nhân dân đóng góp là 32 tỷ đồng; vốn tín dụng là 2.900 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình khác là 257 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 11-2011, đã có 65/118 xã đã và đang thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, hoàn thành và phê duyệt 2 xã Tân Hội và Đạ Nhim. Các cơ quan chức năng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 30/118 xã, gồm 8/12 xã điểm của tỉnh, 15/29 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 – 2015 và 7/77 xã ngoài danh sách ưu tiên; đang trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch 33/118 xã gồm 12/29 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010 – 2015 và 21/77 xã ngoài danh sách ưu tiên. Trên địa bàn toàn tỉnh có 1 xã Đạ R’Sal (Huyện Đam Rông) đã có quy hoạch, không cần xây dựng mới và 15 xã thuộc diện điều chỉnh quy hoạch hiện có.

Dù mới chỉ là bước đầu, nhưng có thể nói Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã chỉ đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương, các bộ, ngành; áp dụng linh hoạt vào thực tiễn của địa phương bằng nhiều giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ và đã đạt được một số kết quả. Đó là:

Chương trình xây dựng NTM đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bưu điện, chợ, cơ quan, công sở, trường học, trạm xá, phục vụ tích cực cho đời sống và sản xuất kinh doanh của địa phương. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển với tốc độ nhanh, năng suất cây trồng, vật nuôi gia tăng đáng kể, giá trị sản xuất đạt ở mức cao. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân tăng theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, đã tạo ra nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến, năng suất, hiệu quả cao như: Mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính công nghệ cao; Mô hình trồng nấm mèo tại xã Tân Hội – huyện Đức Trọng; xây dựng Quỹ đối ứng từ sự đóng góp của nhân dân tại xã Xuân Trường – thành phố Đà Lạt; xây dựng Mô hình mẫu theo cụm dân cư xây dựng NTM ở xã An Nhơn – huyện Đạ Tẻh; Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Thái Hoà và các hộ nông dân trồng cà phê ở xã Tân Văn – huyện Lâm Hà; giữa Công ty Pepsico Việt Nam với Tổ hợp tác Nguyên Sơn trồng khoai tây ở xã Ka Đô – huyện Đơn Dương.

Công tác phối kết hợp giữa các ngành trong việc bố trí các nguồn vốn lồng ghép bước đầu có kết quả tốt. Sở y tế, Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch, các đơn vị trong ngành nông nghiệp đã ưu tiên bố trí các công trình, dự án đầu tư vào các xã NTM; bố trí các nguồn vốn đầu tư tập trung vào các công trình trọng điểm, có liên quan trực tiếp tới phát triển của cộng đồng dân cư ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh đã khảo sát, xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục 63 dự án cần kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn bàn 22 xã, gồm xã Tân Hội, 11 xã điểm của tỉnh và 10 xã ưu tiên giai đoạn 2011 – 2015 để làm cơ sở thu hút đầu tư.

Qua triển khai thực hiện xây dựng NTM, năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể đã được nâng lên, có thể đảm đương được những công việc có quy mô và tính chất phức tạp đối với cấp xã.

Nhận thức và niềm tin của nhân dân đối với chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước ngày càng củng cố, dân chủ trong nông thôn ngày càng được phát huy, ý thức làm chủ nông thôn mới của nhân dân ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Nhân dân đã đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp công sức, tiền bạc, đất đai, hoa màu và trực tiếp tham gia thi công và giám sát các công trình nông thôn mới đạt kết quả tốt.

Song song với những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng cũng đã nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế để khắc phục, như;

Ở một số địa phương, việc tuyên truyền, giáo dục cho hệ thống chính trị tại cơ sở và người dân về chương trình xây dựng NTM còn hạn chế. Phương châm xây dựng NTM dựa vào “nội lực là chính” chưa được quán triệt sâu rộng, vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, chưa xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của người dân.

Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương còn chưa đồng bộ, thống nhất, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của địa phương, một số tiêu chí NTM chưa thật sự phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; công tác điều hành có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng lúc, chưa phân cấp và xác định rõ, kịp thời trách nhiệm thẩm quyền của từng cấp, đặc biệt là ở cấp xã; tiến độ triển khai một số công việc trọng tâm như công tác xây dựng, phê duyệt Chương trình NTM cấp huyện, xây dựng đề án NTM cấp xã, quy hoạch cấp xã còn chậm so với kế hoạch; một số xã còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực sản xuất ưu tiên, kinh doanh nâng cao thu nhập của người dân.

Việc huy động các nguồn vốn, vốn đóng góp của nhân dân, nhất là các hoạt động thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chủ động khai thác các tiềm năng về tự nhiên và lợi thế của địa phương; việc lựa chọn các mô hình sản xuất có hiệu quả còn ít, chưa hình thành được các mối liên hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, Hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; trình độ, năng lực, sự hiểu biết, cách làm và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình xây dựng NTM cấp xã còn có những hạn chế nhất định, phần lớn chưa được đào tạo, huấn luyện kiến thức về NTM nên chưa hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về chương trình.

Từ thực tiễn chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng NTM. Việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, từ đó, tạo sự quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, trong triển khai thực hiện, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, để người dân được bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể; phải thực sự phát huy vai trò làm chủ của người dân trong đầu tư cơ sở hạ tầng, từ việc lập kế hoạch xây dựng dự án, tổ chức thi công, giám sát, duy tu bảo dưỡng công trình; lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền đoàn thể phải sâu sát dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ các công trình, hạng mục xây dựng NTM.

Thứ ba, trong xây dựng NTM phải khai thác, kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư, kích thích, khơi dậy và huy động các nguồn lực trong nhân dân để tham gia xây dựng NTM, làm cho dân hiểu mục đích xây dựng NTM là vì lợi ích thiết thực của dân, dân là người làm chủ quá trình xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Thứ tư, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển sản xuất. Chú trọng việc xây dựng mô hình điểm để triển khai nhân rộng, tiến hành từ đơn giản đến phức tạp, làm từ thôn xóm làm lên, chọn những công việc liên quan thiết thực đến từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư làm trước, không nên triển khai đồng đều dàn trải tất cả các tiêu chí mà nên có thứ tự ưu tiên các tiêu chí có tác động đến cộng đồng.

Thứ năm, gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng NTM với phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào xây dựng thôn, xã văn hoá; chú ý kết hợp hài hoà giữa việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất với việc chăm lo xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, thực hiện tốt các chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác phát huy nhưng truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Thứ sáu, tập trung triển khai các chương trình, dự án lồng ghép đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hợp lý, có hiệu quả, với sự tham gia của nhân dân từ khâu xây dựng kế hoạch đến giám sát các công trình; đầu tư theo phương thức cuốn chiếu, dứt điểm. Tránh phân tán, nên giao cho xã là chủ đầu tư toàn bộ các nguồn vốn lồng ghép trên địa bàn xã để thực hiện cùng một cơ chế xây dựng nông thôn mới; công cuộc xây dựng NTM phải kiên trì, tích cực nhưng không nóng vội, cần có đủ thời gian thích hợp để đảm bảo phát triển bền vững./.

Lê Khắc Phượng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất