Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 18/11/2008 22:15'(GMT+7)

Khẩn trương khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân sau bão, lũ

Cánh đồng Hòa Vang (Đà Nẵng) ngày 14.11 vẫn còn ngập trong lũ. Ảnh Báo Lao động

Cánh đồng Hòa Vang (Đà Nẵng) ngày 14.11 vẫn còn ngập trong lũ. Ảnh Báo Lao động

* Bình Định: Thiệt hại nặng
Ban chỉ huy PCBL-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10 và mưa rất to trong những ngày qua, lượng mưa đo được đến sáng 18/11 tại Quy Nhơn là 213 mm, Phù Cát 136mm, Phù Mỹ 145 mm, Tuy Phước 249 mm, Vân Canh 176 mm... Hầu hết các sông lớn ở tỉnh Bình Định đang dao động trên báo động 1 và 2; riêng tại Thạnh Hòa trên báo động 3 là 0,45 m... Nước ở các sông đổ về các huyện phía Đông của tỉnh; một số xã ở huyện An Nhơn đã bị ngập hoàn toàn và giao thông chia cắt với các vùng xung quanh.

Theo thống kê sơ bộ, có 40 ngôi nhà thuộc 2 huyện An Nhơn và Tuy phước bị sập và hư hỏng nặng. Trong đó, huyện An Nhơn có 18 ngôi nhà bị sập, trong đó 3 ngôi bị sập hoàn toàn. Tại huyện Tuy Phước, có 315 ha ao hồ nuôi tôm bị hư hỏng, 5 ha rau xanh bị hư hại hoàn toàn và 6290 m kênh mương, đê sông, đê biển bị sạt lở... Thiệt hại ước trên 6 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Định đang chỉ đạo các địa phương giúp đỡ cứu trợ những gia đình bị sập nhà hoàn toàn, tạo điều kiện về nơi ở để khi hết lụt dựng lại nhà mới...

* Quảng Ngãi: Chủ động đối phó đợt lũ mới
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và đợt không khí lạnh, từ đêm 17 đến chiều 18/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có mưa, riêng tại Giá Vực lượng mưa đo được 180 mm, Ba Tơ 130 mm làm cho Sông Vệ trên mức báo động 3 là 0,45 m, Sông Trà Khúc dưới mức báo động 3 là 0,43 m gây lũ ở hạ lưu các sông lớn trong tỉnh.

Để chủ động đối phó với đợt mưa lũ mới, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi cử các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra tình hình phòng chống lũ tại các địa phương sinh sống ven Sông Vệ thuộc huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa và ven sông Trà Khúc các xã thuộc huyện Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi; đặc biệt chú ý những vùng trũng thấp, các gia đình sống ven sông có nguy cơ sạt lở cao phải khẩn trương di dời những người cao tuổi, trẻ em đến nơi an toàn, di chuyển tài sản đến các vùng cao nhằm tránh thiệt hại. Văn phòng BCH PCLB tỉnh thường xuyên thông báo lũ trên các sông để nhân dân trong tỉnh biết để phòng chống. Dự báo đêm 18, ngày 19/11 do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên đất liền, nhất là ở các huyện miền núi Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, đề phòng có lốc mạnh ở một số địa phương.

* Bến Tre: Khẩn trương khôi phục sản xuất và đời sống nhân dân
Ngay từ sáng sớm 18/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) tỉnh Bến Tre phối hợp với các sở, ngành hữu quan của tỉnh (quân đội, công an, bộ đội biên phòng, Đoàn thanh niên và lực lượng thanh niên tình nguyện xung kích... ) cùng với UBND 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, đã đồng loạt tiến hành di dời trở lại địa điểm định cư cũ đối với hơn 10 ngàn hộ dân có nhà ở sát gần biển, cửa sông, cù lao cồn bãi ven sông hoặc giữa sông... trước đó đã di dời khẩn cấp đi tránh bão. Đồng thời, toàn tỉnh đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện nội dung tinh thần công văn chỉ đạo khẩn của UBND tỉnh Bến Tre về việc khôi phục toàn bộ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân trong tỉnh, do bão số 10 đã không còn ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn.

UBND tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu các lực lượng chức năng cùng với các địa phương trong toàn tỉnh phải tổ chức thực hiện tốt, chu toàn việc đưa dân quay trở về nơi định cư cũ và ổn định sinh hoạt ngay trong ngày 18/11. Riêng đối với ngành giáo dục và đào tạo, tỉnh cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học thêm ngày 18/11 và từ ngày 19/11 trở lại học bình thường.

* Ninh Bình: Hơn 10 nghìn học sinh đã trở lại trường lớp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, 10.445 học sinh vùng phân lũ, chậm lũ hai huyện Nho Quan, Gia Viễn đã đi học trở lại sau gần 15 ngày phải nghỉ học do trường lớp bị ngập lụt. Hiện nước đã rút khỏi tất cả các trường học của hai huyện trên nhưng công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học bị vỡ đổ tường bao, tường lớp, bàn ghế, sân trường đều bị thiệt hại...

Trước thực trạng trên, ngành giáo dục đã yêu cầu các giáo viên, cán bộ nhà trường cùng với phụ huynh khẩn trương tiến hành dọn vệ sinh, gia cố lại trường lớp, khắc phục nhanh chóng những chỗ bị ảnh hưởng nặng... giúp học sinh yên tâm trở lại học tập. Ngành cũng phối hợp với các trung tâm y tế làm tốt công tác dự phòng như: phun hóa chất khử trùng, làm sạch nguồn nước tại các trường học, vệ sinh trường lớp... đảm bảo phòng tránh dịch bệnh cho học sinh sau khi nước rút. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã lên kế hoạch tổ chức dạy bù, học bù cho học sinh vùng lũ vào các buổi chiều và ngày thứ 7, chủ nhật để đuổi kịp chương trình và tham gia kỳ thi cuối kỳ.

Ông Trần Trọng An - Phó Phòng Giáo dục huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết: Mặc dù tất cả các học sinh vùng lũ đã đi học lại bình thường nhưng tại nhiều thôn ở các xã Gia Tường, Đức Long... nuớc vẫn bị ngập từ 0,2m đến 0,4m. Vì vậy, ngành cũng đặc biệt quan tâm và yêu cầu các trường trên địa bàn phổ biến, hướng dẫn các em học sinh đi lại an toàn. Theo thống kê của ngành giáo dục, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại 1,6 tỷ đồng về cơ sở vật chất; khiến hai em học sinh bị thiệt mạng do sơ suất trong lúc phụ giúp các công việc gia đình./.

TT-Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất