Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thường trực xây dựng Đề án chủ trì buổi làm việc.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động
Hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hà Giang gồm: Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của 11/11 huyện, thành phố. Ngoài ra, có 4 đơn vị trường Trung cấp Y tế, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Kỹ thuật – Công nghệ và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Hướng nghiệp tỉnh được phép liên kết với các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện theo quy định, mở lớp liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, cao học cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức khi được Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương và UBND tỉnh giao nhiệm vụ. Trong đó, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị 11 huyện, thành phố đều được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng công tác giảng dạy, phục vụ người học. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình bồi dưỡng theo phân cấp; biên soạn chương trình, tài liệu theo thẩm quyền được giao…
Báo cáo thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Trưởng ban Tổ chức - Nội vụ của tỉnh Hà Giang cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của đơn vị.
Đối với Trường Chính trị tỉnh, việc tổ chức mở các lớp bồi dưỡng thuộc thẩm quyền theo phân cấp chưa nhiều. Cơ sở vật chất của nhà trường đã xuống cấp. Một số giảng viên trẻ còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức thực tiễn, phương pháp trong giảng dạy.
Đối với Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, còn nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, bất cập trong chế độ tiền phụ cấp. Điều này bắt nguồn từ việc: Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện về chức năng, nhiệm vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, tổng biên chế của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện nằm trong tổng biên chế của Huyện ủy. Về tư cách pháp nhân, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện lại thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện. Các mẫu giấy chứng nhận các lớp bồi dưỡng của Trung tâm còn bất cập về thể thức văn bản của Đảng và Nhà nước do đó thực trạng chồng chéo về cơ quan chủ thể quản lý này rất khó khăn cho hoạt động chung của đơn vị.
Về chế độ, chính sách đối với giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức đã được thực hiện theo quy định; tuy nhiên về chế độ tiền lương và phụ cấp của công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện không được hưởng phụ cấp cho cán bộ, công chức khối đảng (30%), vì Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện.
Cán bộ, giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo, nhưng lại không được thanh toán làm thêm giờ như đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Cơ sở vật chất đầu tư cho Trung tâm bồi dưỡng còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. không được giao chỉ tiêu và kinh phí hàng năm để hợp đồng bảo vệ, phục vụ.
Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chưa có sự chỉ đạo thống nhất để thực hiện đồng bộ; chủ yếu các giảng viên tự cập nhật nội dung giảng dạy. Giáo trình giảng dạy của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chưa được cập nhật kịp thời để đưa vào chương trình giảng dạy.
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch 833/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ triển khai Nghị quyết 08 của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Mục đích xây dựng Đề án là nhằm phân tích, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống, tổ chức bộ máy các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức thuộc cơ quan hệ thống chính trị tinh gọn, cơ chế hoạt động hiệu quả. Từ đó, góp phần vào nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước trong tình hình mới.
|
Sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Đề xuất các giải pháp tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu tỉnh Hà Giang đề nghị, cần thống nhất cụ thể cơ quan chủ quản quản lý trực tiếp Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đơn vị và ban hành Quy định xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, thành phố đạt chuẩn để thống nhất thực hiện trong cả nước.
Các đại biểu cũng đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương cần chỉ đạo việc biên soạn bổ sung vào giáo trình giảng dạy của các Tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội để phục vụ cho công tác giảng dạy kịp thời và sớm có hướng dẫn đổi mới nội dung các chương trình bồi dưỡng để nâng cao tính thực tiễn cho bài giảng tại các trung tâm.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho giảng viên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, xem xét tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng học viên không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước cấp từ mức 50.000đ/người/ngày lên mức 70.000 - 100.000đ/người/ngày để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; đồng thời cũng khuyến khích cho đối tượng tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
Xem xét cho công chức, viên chức của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được hưởng phụ cấp khối đảng 30% để động viên công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xem xét chế độ thanh toán làm thêm giờ của cán bộ, giảng viên giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị được hưởng như đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang đã khẳng định vai trò và những đóng góp hiệu quả của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Đây là đội ngũ giảng viên tâm huyết, là lực lượng quý báu trong việc tuyên truyền lý luận chính trị cho cán bộ ở cấp cơ sở - cấp sát dân, gần dân nhất.
Đi sâu vào phân tích các thực trạng được nêu ra tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị, cần sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị phù hợp với hệ thống chính trị ở địa phương; làm thế nào vừa duy trì được hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, vừa đảm bảo được quyền lợi đội ngũ giảng viên.
Bên cạnh đó, đồng chí Bùi Trường Giang cũng gợi ý mô hình các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là phân hiệu của trường chính trị tỉnh để các đại biểu xem xét và phản biện.
Về kiến nghị thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cơ bản, đối với chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp được nêu ra, đồng chí Bùi Trường Giang đề nghị, cần rà soát xem đối tượng nào cần thiết học chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp, có thể lồng ghép với các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị khác được không. Trên cơ sở dó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có những đề xuất, tham mưu sát hợp với thực tiễn hiện nay.
Về kiến nghị biên soạn bổ sung vào giáo trình giảng dạy của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội để phục vụ cho công tác giảng dạy kịp thời, đồng chí Bùi Trường Giang nêu rõ, hiện nay, chương trình giáo trình các môn lý luận chính trị giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân đã được thẩm định ở cấp Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thẩm định và dạy thử ở 31 trường.
Về tài liệu 6 chương trình chuyên đề bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở, Ban Tuyên giáo Trung ương đang phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật in ấn và phát hành.
Về nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo ở cơ sở; chương trình bồi dưỡng chuyên đề công tác tuyên truyền miệng và báo cáo viên; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp sẽ hoàn thiện trong tháng 12-2018.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường tiếp thu và phúc đáp những ý kiến, kiến nghị của tỉnh liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Triệu Văn Cường cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan của tỉnh tiếp tục căn cứ vào các văn bản, chủ trương của Trung ương để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thu Hằng