(TG)- Ngày 23/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1970/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung đến năm 2030 phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực. Đến năm 2045 phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới.
Theo đó, những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: Một là, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về khí tượng thủy văn, trong đó xem xét xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khí tượng thủy văn, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phương tiện đo, thiết bị và cung cấp công nghệ, dịch vụ hoạt động khí tượng thủy văn.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên cơ sở củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và rõ chức năng, nhiệm vụ; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng lộ trình, phương án phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn.
Rà soát, đánh giá tác động đến các điều kiện khí tượng thủy văn của công trình thuộc các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện quy định về tích hợp, đồng bộ dữ liệu khí tượng thủy văn, khai thác, sử dụng, lồng ghép thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, địa phương.
Tăng cường năng lực quản lý, quan trắc, giám sát và dự báo nguồn nước, tài nguyên khí hậu, biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống giám sát, quản lý và đánh giá hoạt động quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa.
Xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khung dịch vụ khí hậu quốc gia cho Việt Nam trên cơ sở Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khí tượng thủy văn và nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Hai là, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Phát triển, hiện đại hóa hệ thống trạm khí tượng thủy văn; công tác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; Phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hoá, thương mại hóa, xây dựng và hình thành thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn. Tổ chức, sắp xếp hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn của các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tăng giá trị, hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ khí tượng thủy văn; hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá liên quan đến hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn trên cơ sở tính toán đầy đủ chi phí cơ bản, phù hợp với cơ chế thị trường; tổ chức triển khai một số sản phẩm, dịch vụ hiện do cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện theo phương thức đối tác công - tư.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế khí tượng thủy văn. Có chế độ, chính sách phù hợp, thoả đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn, nhất là ở vùng khó khăn và đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực khí tượng thủy văn; thuê chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về khí tượng thủy văn; đổi mới nội dung, chương trình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác khí tượng thủy văn; lồng ghép các kiến thức cơ bản về khí tượng thủy văn vào chương trình giáo dục phổ thông các cấp và các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, viễn thám và các công nghệ hiện đại khác trong công tác khí tượng thủy văn; từng bước làm chủ công nghệ thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn hiện đại; triển khai các đề án, dự án, chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về khí tượng thủy văn.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, nhất là trong hoạt động dự báo khí tượng thủy văn và thực hiện các cam kết quốc tế về khí tượng thủy văn; nâng cao vai trò quản lý, điều phối tại Tổ chức Khí tượng Thế giới, Ủy ban bão quốc tế; phát huy vai trò Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm, Trung tâm dự báo hỗ trợ lũ, lũ quét cho khu vực ASEAN; hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn tại các nước trên thế giới và trong khu vực.
Năm là, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn; xây dựng các phương tiện, nền tảng công nghệ tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền và người dân tiếp cận được thông tin khí tượng thủy văn, đặc biệt là ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng đặc thù khác; xây dựng hệ thống truyền thông tác động của thiên tai, rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh; xây dựng hệ thống thông tin chuyên biệt về khí tượng thủy văn trên hạ tầng số để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về các sản phẩm, dịch vụ khí tượng thủy văn.
Phong Duy