Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 14/1/2018 10:23'(GMT+7)

Khi y tế cơ sở trở thành trung tâm giữ vai trò là 'người gác cổng'

Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)


Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện nay, số lượng dịch vụ y tế tại trạm y tế xã còn ít, mới chỉ cung ứng được 52,2% dịch vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật; thuốc thiết yếu, thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ y tế, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng không đảm bảo... Bên cạnh đó, tỷ lệ xử trí đúng các bệnh thông thường còn thấp, nhiều bệnh tỷ lệ xử trí đúng chỉ đạt 30-40%; còn xảy ra tai biến dẫn đến người dân chưa tin thưởng vào y tế cơ sở, nên đã vượt tuyến điều trị.

Ngoài ra, tại y tế cơ sở, mô hình tổ chức còn biến động, tách biệt y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh, thiếu chăm sóc liên tục, thiếu lồng ghép, triển khai theo chương trình, dự án, quản lý, chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng hạn chế.

Đặc biệt, nguồn lực và quản lý còn hạn chế, nhiều năm chưa có đầu tư đáng kể cho y tế cơ sở, nhân lực thiếu, trình độ hạn chế, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích hoạt động. Hệ thống thông tin còn yếu, công tác xây dựng kế hoạch và theo dõi, đánh giá hoạt động của y tế cơ sở còn nhiều bất cập...

Những điều trên dẫn đến hậu quả là người dân ít sử dụng dịch vụ y tế cơ sở. Tình trạng vượt tuyến gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên, tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế kém công bằng, kém hiệu quả, tình trạng sức khỏe khác biệt giữa các vùng miền.

Cần sự thay đổi từ hệ thống

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện nay, mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép. Hiệu suất và hiệu quả trong sử dụng nguồn lực chưa cao trong điều kiện nguồn tài chính hạn chế. Năng lực cung ứng dịch vụ y tế còn yếu, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở làm hạn chế mức độ thụ hưởng quyền lợi của người có bảo hiểm y tế, gia tăng chi phí cho bệnh nhân. Sự chênh lệch về tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền có xu hướng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, giải pháp tăng cường, đổi mới y tế cơ sở là giải pháp căn cơ, bền vững. Bởi y tế cơ sở gần nhất với người dân, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với y tế cơ sở; mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp cả nước, có sự đồng nhất của các dịch vụ y tế, đảm bảo công bằng khi người dân tham gia.

Bên cạnh đó, sử dụng các dịch vụ y tế cơ sở là cách tiết kiệm chi phí và bền vững nhất trong chăm sóc sức khỏe. Y tế cơ sở từ chỗ chỉ là “tuyến dưới,” trở thành “trung tâm” và giữ vai trò là “người gác cổng,” góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.

 
               Cán bộ trạm y tế xã hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc
                                               thiểu số. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN) 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Theo đó, cùng với việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế cần phát triển y học gia đình; triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

Ngành chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng đã ban hành Gói dịch vụ y tế cơ bản gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, nâng cao sức khỏe” nhằm giúp người dân tiếp cận mạng lưới y tế có chất lượng ở nơi mình sinh sống.

Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở

Bộ Y tế xác định tăng cường năng lực, chất lượng hoạt động của y tế cơ sở là chìa khóa để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Triển khai y học gia đình chính là giải pháp quan trọng để tăng cường y tế cơ sở. Trong thời gian tới, ngành Y tế tăng cường củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp.

Về nhân lực y tế, ngành mở rộng và đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tăng cường đào tạo chuyên ngành, đào tạo bác sỹ gia đình, ưu tiên người địa phương, người dân tộc thiểu số.

Ngành thực hiện chủ trương các trung tâm y tế, bệnh viện huyện luân phiên cán bộ xuống trạm y tế 2-3 ngày/tuần, luân phiên bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã lên trung tâm y tế, bệnh viện huyện để tham gia trực và làm chuyên môn y tế nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, ngành xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại y tế cơ sở.

Ngành xây dựng cơ chế tài chính thích hợp cho y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm kinh phí cho hoạt động thường xuyên của trạm y tế, nguồn thu từ hoạt động chuyên môn, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản, ấp...

Cùng với đổi mới hoạt động và tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngành Y tế mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, tăng cường lồng ghép giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng, quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, phát triển một số mô hình bác sỹ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi./.

Nguyễn Bích Thủy/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất