Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 16/1/2009 20:56'(GMT+7)

Khó có đột phá trong Hội nghị giải trừ quân bị 2009

Dự kiến, Khóa họp năm 2009 của Hội nghị sẽ chính thức khai mạc vào ngày 20/1 tới. Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Geneve đã phỏng vấn ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Chủ tịch Hội nghị về một số vấn đề liên quan đến Hội nghị và sự chuẩn bị của Việt Nam.

Xin ông giới thiệu một số nét chính về Hội nghị giải trừ quân bị (Conference on Disarmament - CD) và vai trò của cơ quan này đối với các vấn đề giải trừ quân bị?

Ông Lê Hoài Trung: Hội nghị giải trừ quân bị được thành lập vào năm 1979 theo thoả thuận của các nước thành viên Liên hợp quốc.


Tại Khoá đặc biệt I về giải trừ quân bị tổ chức vào năm 1978, các quốc gia nhất trí cho rằng các biện pháp giải trừ quân bị phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đặc biệt là giải trừ quân bị hạt nhân và ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân. Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết yếu đối với sự sống còn của nhân loại, việc thực hiện nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và tạo điều kiện để các dân tộc có thể sử dụng nhiều hơn các nguồn lực cho phát triển.

Trong các cơ chế quốc tế, Hội nghị giải trừ quân bị được trao trọng trách là cơ quan thương lượng giải trừ quân bị đa phương duy nhất với sự tham gia của cả 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân và 60 quốc gia khác đại diện cho các khu vực địa lý trên thế giới.

Hầu hết các điều ước quốc tế đa phương quan trọng được ký kết từ sau Chiến tranh Thế giới II tới nay là kết quả của các cuộc thương lượng tại Hội nghị giải trừ quân bị  và các tổ chức tiền thân đã nêu ở trên, trong đó có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước về việc cấm việc sử dụng các biện pháp làm biến đổi khí hậu vì mục đích quân sự và các mục đích thù địch khác, Công ước về cấm vũ khí vi trùng, Công ước về cấm vũ khí hoá học và gần đây nhất là Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ký vào năm 1996.

Mỗi năm Hội nghị giải trừ quân bị làm việc trong 24 tuần, chia làm 6 kỳ và mỗi kỳ sẽ do một nước thành viên làm Chủ tịch, luân phiên theo thứ tự chữ cái tiếng Anh. Hoạt động của Hội nghị giải trừ quân bị rất đa dạng, từ nghiên cứu, hợp tác với các chuyên gia hoặc tổ chức khác, thảo luận để trao đổi quan điểm và tiến hành thương lượng.

Xin ông cho biết các công việc chuẩn bị của ta để đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị trong kỳ họp đầu?


Ông Lê Hoài Trung: Chính sách nhất quán của Nhà nước ta là phấn đấu vì hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị và chống chiến tranh theo những nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Đó cũng là những nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam đã từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh và hiện vẫn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, nhiều mặt của chiến tranh.


Để chuẩn bị cho đảm nhiệm cương vị làm Chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị, trong thời gian qua chúng ta đã tiến hành nghiên cứu sâu về quan điểm của các nước, nhóm nước chính về các đề mục trong chương trình nghị sự, tình hình hoạt động của Hội nghị giải trừ quân bị, những khó khăn Hội nghị giải trừ quân bị đang gặp phải và chuẩn bị chủ trương theo đường lối đối ngoại, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải trừ quân bị.

Đặc biệt chúng ta đã tiến hành tham vấn song phương với hầu hết các nước thành viên Hội nghị giải trừ quân bị để tìm hiểu sự quan tâm, đề xuất của họ về phương thức hoạt động, tổ chức và các vấn đề nội dung của Hội nghị giải trừ quân bị.

Trong ít ngày qua, để chuẩn bị cho phiên khai mạc dự kiến vào ngày 20/1/2009, đoàn ta đã gặp thêm nhiều nước; gặp ông Sergey Ordzhonikidze, Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneve, kiêm Tổng thư ký Hội nghị giải trừ quân bị; tổ chức các cuộc họp trao đổi với 5 Chủ tịch khác của năm 2009; họp với các điều phối viên của các nhóm nước và cuộc họp của Nhóm G-21.

Trong một vài năm gần đây, Hội nghị giải trừ quân bị không đạt được bước tiến thực sự ngoài việc thông qua chuơng trình nghị sự truyền thống. Vậy theo ông, năm nay Hội nghị có đạt được đột phá gì không?

Ông Lê Hoài Trung: Đúng là hơn 10 năm qua, kể từ khi kết thúc thành công việc thương lượng Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm 1996,
Hội nghị giải trừ quân bị chưa tổ chức được thương lượng trên vấn đề nào mới, chưa đi đến nhất trí về chương trình làm việc, thậm chí có những năm còn gặp khó khăn trong việc thông qua chương trình nghị sự.

Đa số các quốc gia thành viên Hội nghị giải trừ quân bị cho rằng những khó khăn đó chủ yếu bắt nguồn từ chính sách đơn phương áp đặt, xu hướng tăng cường sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và cả những thách thức mới của việc phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong những năm qua.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ - một trong những quốc gia thành viên có vũ khí hạt nhân - đang trong quá trình chuyển giao chính quyền, các nước cho rằng sẽ khó có đột phá trong Khóa họp năm 2009. Tuy nhiên, các nước cũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự vận hành tốt của Hội nghị giải trừ quân bị, phấn đấu tăng cường sự hợp tác tích cực tại  Hội nghị giải trừ quân bị và tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho công việc của cơ quan này trong những năm tới.

Xin cám ơn ông và chúc Đoàn đại biểu nước ta cũng như cá nhân ông thành công trên cương vị Chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị./.

(TTXVN)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất