(TG) - Bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ
tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Những biến chứng này gây ảnh hưởng nặng
nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong. Nguy cơ tăng huyết áp tăng
cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính hiện nay Việt Nam có gần 13
triệu người mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ hơn 50% số người mắc
bệnh được phát hiện và cũng chỉ có một nửa trong số người phát hiện được
điều trị, quản lý.
Đây là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới với
những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim
mạch khác.
Tăng huyết áp (còn gọi là cao huyết áp) là trạng thái máu lưu thông với
áp lực tăng liên tục. Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các
triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu
hiện tùy thuộc theo thể trạng của từng người.
Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là choáng váng, nhức đầu; mất
ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt,
buồn nôn. Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra
huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh
và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và
phần lớn người tăng huyết áp thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các
triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Vì
thế tăng huyết áp còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng.”
Cục Y tế dự phòng nêu rõ bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến tai biến mạch
máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Những biến chứng
này gây ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong. Nguy
cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở
lên.
Ngoài ra những người thừa cân béo phì; sử dụng rượu bia, thuốc lá; ăn
nhiều muối, ít rau quả; ít hoạt động thể lực; căng thẳng tâm lý; mắc các
bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường; trong gia đình đã có người
bị bệnh... cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch
do tăng huyết áp.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp
quan trọng nhất giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Người dân cần
thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua
các lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế...
Các máy đo huyết áp điện tử cá nhân là một công cụ hiệu quả giúp người
đã mắc bệnh tăng huyết áp và người có nguy cơ mắc bệnh thường xuyên kiểm
tra tình trạng huyết áp của cá nhân và các thành viên trong gia đình.
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, người dân phải có chế độ ăn
hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa
quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo
đủ kali và các yếu tố vi lượng. Đồng thời, mọi người cố gắng duy trì
vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn
chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp
(tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn
khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý
đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột./.
TG