Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội,
việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm tạo ra sự thông thoáng và minh bạch
hơn về cơ chế chính sách, đặc biệt luật được áp dụng chung, không có sự
bất bình đẳng cũng như phân biệt đối xử trong hoạt động giữa các doanh
nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với báo chí
xung quanh Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng như cơ chế thu hút các nhà
đầu tư hiện nay.
- Thưa ông, vào ngày 26/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Xin ông cho biết, lần sửa đổi này, Luật có
thêm cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển không?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi Luật Doanh nghiệp sửa đổi
lần này sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp trong các vấn đề
như: đăng ký thành lập, giấy phép đầu tư, tiếp cận với khu công nghiệp…
Ngay cả Luật Đầu tư, có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chúng
ta cũng đưa vào công khai trong luật.
Có thể thấy Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là một bước chuyển biến cơ
bản giúp doanh nghiệp có thể hoạt động được tốt hơn và được nhà nước
quan tâm bằng cơ chế chính sách cũng rõ ràng hơn.
- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chúng ta đang dành nhiều ưu đãi cho
doanh nghiệp FDI và hiện nguồn thu cho ngân sách giảm mạnh cũng là do
sự ưu ái này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi xin khẳng định rằng, tỷ lệ
xuất khẩu trong mấy năm qua của mình tăng cao là do khối doanh nghiệp
FDI chứ chưa phải là doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy có thể thấy, việc xuất khẩu tăng lên thì nguồn thu từ hoạt động
này cũng tăng theo. Trong khi đó, việc giảm thuế là giảm cho tất cả các
doanh nghiệp, giảm thuế theo ngành hàng và không có một văn bản nào của
Bộ Tài chính, Quốc hội nói là chỉ giảm thuế riêng cho doanh nghiệp FDI.
Chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan về vấn đề giảm nguồn thu của
ngân sách. Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, thống kê cho thấy là 213.000
doanh nghiệp hạch toán là lỗ, không có lãi và hầu hết đây là doanh
nghiệp 100% vốn trong nước điều này làm cho nguồn thu mới giảm đi.
Bên cạnh đó, tổng số 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản, cũng
làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và người lao động bị thất nghiệp.
Trong khi đó có 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng số lượng người
lao động được tuyển dụng cũng tăng chậm, ngoài ra số lượng nguồn vốn
giải ngân cũng chưa mạnh nên nguồn thu bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, tổng đầu tư toàn xã hội trong những năm gần đây có giảm. Có
thể lấy ví dụ, năm 2011 tổng đầu tư toàn xã hội là 40%, nhưng đến thời
điểm này chỉ được khoảng 30%. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nguồn thu
ngân sách gặp khó khăn.
Thêm nữa, giá dầu thô liên tục giảm trong 4 tháng qua trên thị trường
thế giới, nên khoản đóng góp vào ngân sách cũng giảm. Trước kia, đóng
góp vào ngân sách từ xuất khẩu dầu thô tới 25% GDP, thì nay thu ngân
sách từ khoản này chỉ được 12-13%.
Cộng hưởng tất cả các yếu tố trên làm cho nguồn thu ngân sách giảm xuống chứ không phải vì chúng ta ưu đãi doanh nghiệp FDI.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chính sách của chúng ta ưu ái với doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp nội trong việc tiếp cận đất đai để triển khai dự án?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Không hề như vậy. Thực tế, khi so
sánh, chúng ta cần phải nhìn nhận một vấn đề là nguồn lực tài chính của
doanh nghiệp trong nước có bằng doanh nghiệp FDI không? Thế nên, khi
chúng ta đưa ra một khu đất mới, hoàn toàn không nằm trong quy hoạch,
chưa giải phóng mặt bằng thì sẽ gặp khó khăn ngay. Nhưng nếu vào trong
khu công nghiệp đầu tư nhà máy thì sẽ triển khai được.
Chúng ta đã có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào khu
công nghiệp và đến nay tại 63 tỉnh, thành của chúng ta đều có khu công
nghiệp.
Nếu so sánh một doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn là khập khiễng.
Hiện doanh nghiệp trong nước còn được giao đất "sạch" trong khi nhiều
doanh nghiệp FDI có khi còn phải giải phóng mặt bằng để làm, nhưng do
tiềm lực tài chính của doanh nghiệp FDI tốt hơn, nên khi nhìn vào, mình
thấy họ đi nhanh hơn, vì không vướng vào thỏa thuận giá.
Ở góc đó khác, doanh nghiệp FDI khi bỏ tiền vào đầu tư là bỏ một lần
trong khi doanh nghiệp trong nước còn phải đi vay ngân hàng và ngân hàng
còn mất thời gian thẩm định dự án.
Tôi cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và
nhỏ, nên để đầu tư cần đầu tư vào các khu công nghiệp. Ví như việc khởi
công xây dựng nhà máy Điện phân nhôm trên Đắc Nông, chỉ một lần là được
ngay và đây là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam làm chứ không phải
doanh nghiệp FDI.
Do vậy, chúng ta cũng phải nhìn một cách khách quan, nhiều chiều. Tất
nhiên cũng có thể là trong quá trình doanh nghiệp đi xin đất cũng không
tránh khỏi có những công chức, viên chức bắt phải phong bì, phong bao,
cố gắng kéo dài thời gian xuống. Nhưng nhìn chung, chính sách của chúng
ta ban hành thì không có những hạn chế.
- Vậy theo ông, liệu có chính sách nào khuyến khích để xây dựng được một
lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, xứng tầm khu vực?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Chưa có văn bản nào của Quốc hội
và Chính phủ cho thấy sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Việc
vươn lên của doanh nghiệp, Chính phủ luôn khuyến khích. Nếu doanh nghiệp
sử dụng nhiều lao động sẽ được ưu đãi về thuế, hỗ trợ về phí đào tạo,
sử dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ về thuế, hoàn thuế…
Rõ ràng chúng ta đã có cơ chế chính sách cho hoạt động của doanh nghiệp
khi tham gia đầu tư và sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề là một doanh nghiệp
có thành phần kinh tế ở trong nước họ có thể đầu tư được bao nhiêu, họ
có đạt được đến ngưỡng được hỗ trợ không mới là vấn đề chúng ta phải bàn
chứ không phải chúng ta không có chính sách.
Chúng ta rất mong muốn có những doanh nghiệp lớn mạnh đơn cử như: Hòa
Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Vincom… và chúng ta mong
muốn có nhiều doanh nghiệp trong nước phát triển như thế.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tiềm lực tài chính hạn hẹp nên
khi tiếp cận các vấn đề cũng khó khăn hơn so với các doanh nghiệp có
tiềm lực tài chính lớn.
Trong quá khứ, có nhiều doanh nghiệp phát triển từ cơ chế, ví dụ như bất
động sản, nên mới tạo ra nợ xấu bất động sản chồng chất như thế và chưa
xử lý được. Đây là bài học mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.
- Xin cảm ơn ông!
Quảng-Thúy (Vietnam+)