Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 14/5/2012 22:7'(GMT+7)

Không nhất thiết chỉ nhìn chủ yếu vào ngân hàng

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Thực tế vốn còn được hình thành và có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau ngoài kênh ngân hàng, cần nhận diện và có các giải pháp giúp doanh nghiệp hữu dụng hóa nó.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 74% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có nhu cầu vay vốn tín dụng, ngân hàng; song chỉ có khoảng 1/3 có thể tiếp cận được bởi các thủ tục và qui định của các ngân hàng đưa ra rất khắt khe.

Ngay cả khi lãi suất cho vay được hạ xuống 15% như đã nêu ở trên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng vay vốn của các tổ chức tín dụng cũng phải đáp ứng đủ điều kiện và phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; khách hàng vay vốn phải cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh được mục đích vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực được áp dụng lãi suất 15% theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Ngoài nguồn vốn ngân hàng tiếp cận còn khó khăn, thì thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp, song do lượng cổ phiếu các doanh nghiệp phát hành ồ ạt nên kênh này cũng không phát huy được hiệu quả nhiều trong thời gian gần đây. Phát hành trái phiếu cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả, nhưng muốn thành công doanh nghiệp phải minh bạch và có uy tín, điều này DNNVV khó đáp ứng vì năng lực quản lý yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực, vốn ít, bị hạn chế trong việc lập dự án và phương án sản xuất, hệ thống sổ sách kế toán thiếu minh bạch.

Trong bối cảnh tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, huy động vốn qua các kênh cổ phiếu, trái phiếu chưa hiệu quả, việc đa dạng hóa các giải pháp tìm vốn đối với các doanh nghiệp là rất cần thiết. Để giúp doanh nghiệp làm tốt việc này, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần bổ sung cho các hội ngành nghề có chức năng và vai trò đầu mối hình thành các định chế quỹ đầu tư/hoặc công ty tài chính liên danh các pháp nhân góp vốn là các doanh nghiệp thành viên hiệp hội có ngành hàng gần gũi, để tạo pháp nhân đủ tư cách đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ, hay trái phiếu nhằm thu hút vốn đầu tư khi có phương án khả thi trên thị trường chứng khoán, hoặc gọi vốn đầu tư vào chứng khoán của quỹ đầu tư/công ty tài chính đối với các ngân hàng thương mại. Với hình thức quỹ đầu tư/công ty tài chính của từng nhóm doanh nghiệp có quan hệ vốn và thị trường gần gũi, có thông tin minh bạch về tổ chức kiểm toán, thuế và cơ sở dịch vụ thông tin tín dụng cấp tin rõ ràng… sẽ tạo ra được hàng hóa cả ở thị trường sơ cấp để tạo vốn cho các doanh nghiệp thành viên, cả ở thị trường thứ cấp để xã hội hóa cuộc chạy tiếp sức vốn từ các nhà kinh doanh chứng khoán mà nếu tự một doanh nghiệp đơn độc không có đủ uy tín làm được.

Ngoài ra, Chính phủ nên có cơ chế ràng buộc các nhà máy chế biến với các bên sản xuất cung ứng thường xuyên, ổn định nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào một cách thống nhất, minh bạch. Trên cơ sở đó, các nhà máy phải đặt cọc một tỷ lệ vốn trong tổng giá trị thu mua bình quân theo công suất cho các bên sản xuất và cung ứng nguyên nhiên liệu đầu vào nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên, đủ công suất; đồng thời, ràng buộc bên cung ứng phải giữ uy tín về giá cả và số lượng hàng hóa cung ứng tương ứng với số vốn nhà máy đặt cọc. Theo cơ chế này sẽ chuyển dần được mối quan hệ vay vốn của các doanh nghiệp cung ứng nguyên nhiên vật liệu với ngân hàng sang quan hệ vay vốn chủ yếu của nhà máy với ngân hàng.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp có quan hệ với nhau về đầu vào và đầu ra ổn định (đặc biệt là cùng chung hiệp hội ngành nghề) có đủ tín nhiệm cần liên kết và cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ trong phạm vi thời hạn thỏa thuận, để hữu dụng hóa nguồn vốn “gối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên. Phương pháp này đã có từ rất lâu đời trong dân gian nhưng mang tính tự phát, ngày nay đã có hành lang pháp lý về thương phiếu có thể vận dụng pháp luật để phát động rộng rãi trong các làng nghề, cũng như trong các hiệp hội và hội nghề nghiệp…/.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất