Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 24/11/2009 20:1'(GMT+7)

Không phải là "Tấm áo khoác chủ nghĩa xã hội"

Chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước phát triển mới về tư duy lí luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong Đảng và nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ đưa nền kinh tế của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, đẩy nhanh sự hội nhập kinh tế thế giới, tăng niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Những thành tựu to lớn đó đã chứng tỏ sự đúng đắn của chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên thực tế.

Nhìn lại lịch sử phát triển của kinh tế thị trường trên thế giới cho thấy, kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ và ở trình độ cao; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế. Kinh tế thị trường xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Kinh tế hàng hóa (giai đoạn thấp của kinh tế thị trường) cũng đã phát triển trong lòng xã hội phong kiến. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường đạt đến đỉnh cao khi sức lao động trở thành hàng hóa. Ngày nay, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển rất mạnh mẽ; nó xuyên qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Có lẽ, vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.

Từ sự ra đời của kinh tế thị trường cho thấy, nó còn tồn tại và phát triển khi những điều kiện khách quan là sự phân công lao động xã hội và sự độc lập về mặt kinh tế giữa những chủ thể sản xuất, kinh doanh vẫn còn. Vậy thì, dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường có còn tồn tại và phát triển không?

Trong những năm trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa, do nhận thức không đầy đủ về vấn đề này, cùng với sự nôn nóng, duy ý chí, cho rằng, khi đã thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, phân phối sản phẩm trực tiếp, thực hiện quản lí theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung thì sẽ không còn sản xuất hàng hóa nữa, nếu còn thì đó cũng chỉ là những tàn dư và sớm bị xóa bỏ. Sự nhận thức sai lầm này đã được khắc phục trong cuộc cải cách, đổi mới của Đảng Cộng sản ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Sự thực là, dưới chủ nghĩa xã hội, phân công lao động xã hội với tư cách là cơ sở của trao đổi hàng hóa không mất đi, trái lại ngày một phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; sự chuyên môn hóa và hợp tác lao động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn được mở rộng ra phạm vi quốc tế. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân - sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu hỗn hợp khác); trong hình thức sở hữu nhà nước có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc nhà nước) và quyền sử dụng tư liệu sản xuất (thuộc tổ chức và cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng). Đó là những cơ sở kinh tế để cho các chủ thể sản xuất kinh doanh độc lập về mặt kinh tế, toàn quyền chi phối sản phẩm. Do đó, những điều kiện kinh tế - xã hội để kinh tế thị trường tồn tại và phát triển vẫn còn. Vậy thì, không chỉ có kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà còn có cả kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam đang trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, song điều chắc chắn rằng đó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam sẽ ngăn chặn, không để nền kinh tế thị trường tự phát theo con đường tư bản chủ nghĩa, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển đúng hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó tạo ra sự khác biệt căn bản về chất giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Một sự thật hiển nhiên là, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế tư bản tư nhân; mục đích chủ yếu của nền kinh tế là mang lại lợi ích cho giai cấp bóc lột. Ngày nay, trong chủ nghĩa tư bản xuất hiện một số mô hình kinh tế thị trường khác nhau, như kinh tế thị trường định hướng xã hội của các nước do các Đảng xã hội dân chủ cầm quyền với mục tiêu điều hòa lợi ích, xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước để khắc phục khủng hoảng kinh tế; kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch của nhà nước... Tuy nhiên, các nền kinh tế đó vẫn dựa trên nền tảng kinh tế tư nhân, về thực chất vẫn là kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mặc dù còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhưng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có sự quản lí của Nhà nước xã hội chủ nghĩa bằng các công cụ quản lí vĩ mô, như kế hoạch, chính sách, pháp luật,… và bằng cả sức mạnh vật chất của kinh tế nhà nước, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực, hạn chế và khắc phục có hiệu quả mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thực hiện phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội.

Vì vậy, luận điệu cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là “tấm áo khoác chủ nghĩa xã hội” cho nội dung tư bản chủ nghĩa, cố ý đánh đồng bản chất kinh tế, chính trị - xã hội của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là thủ đoạn thâm hiểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm dụng ý xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ và phá hoại niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng.

Đại tá, TS  NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất