(TG) - Ngày 9/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Quốc gia kỳ thi tay nghề Thế giới đã đi kiểm tra và động viên các thí sinh và chuyên gia huấn luyện thi tay nghề thế giới tại Kazan năm 2019.
Tại 3 địa điểm huấn luyện (Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương với nghề lắp cáp mạng thông tin; Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với nghề giải pháp phần mềm; Trường Đại học giao thông vận tải với nghề công nghệ web), qua nắm tình hình và trao đổi của các chuyên gia về công tác tổ chức huấn luyện, Đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao công tác luyện thi tại các cở sở, với trang thiết bị khá đẩy đủ và cập nhật.
Trong quá trình huấn luyện, các chuyên gia luôn tích cực, phát huy hiệu quả việc tham gia các forum, diễn đàn của kỳ thi; nắm chắc diễn biến ra đề và cụ thể công nghệ tác động tới việc ra đề. Huấn luyện đảm bảo 4 yếu tố: chuyên nghiệp; hội nhập; sáng tạo và quản lý rủi ro; mô phỏng không gian của kỳ thi để thí sinh làm quen, đặc biệt bước đầu cho thí sinh làm việc theo múi giờ của Nga.
Phát biểu chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các trường, các chuyên gia đã tạo thuận lợi cho công tác huấn luyện; huấn luyện đúng hướng.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các trường cần khẩn trương bổ sung các trang thiết bị mới phù hợp với công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác huấn luyện; tăng cường nắm các thông tin và đề của ban tổ chức để phân tích, mô tả kỹ năng để phục vụ công tác huấn luyện; tạo môi trường thích hợp để luyện thi. Có giải pháp cho các phiên dịch tiếp cận thí sinh và chuyên gia, đề thi; tổ chức cho các thí sinh đã đạt huy chương tại kỳ thi tay nghề thế giới chia sẻ kinh nghiệm; tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc.
Ngoài việc phấn đấu có sự "đổi màu" của huy chương từ đồng thành huy chương bạc, vàng tại kỳ thi tay nghề thế giới lần này; việc tham gia kỳ thi cũng nhằm mục đích học hỏi và tiếp cận công nghệ mới của thế giới, phục vụ cho nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển kinh tế trong nước./.
TX