Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/4/2014 22:25'(GMT+7)

Kiên Giang: Ban hành Chương trình hành động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2014

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Công tác chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện được quan tâm; chú trọng hơn công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; nhận thức của nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng có bước thay đổi, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt, đồng thời ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa cuộc vận động nên trong tổ chức thực hiện còn hạn chế, có biểu hiện hình thức. Nhiều người tiêu dùng còn thiếu thông tin về những sản phẩm cụ thể; chất lượng hàng hoá không đồng đều, số lượng hàng còn ít, mẫu mã chưa phong phú; người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức sâu sắc về hàng Việt. Hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn nhiều trên thị trường, gây tâm lý lo ngại trong nhân dân. 

Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Chương trình hành động số 51, ngày 21 tháng 4 năm 2014 thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2014.

Mục đích, yêu cầu của chương trình hành động là: Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đích, ý nghĩa của cuộc vận động, ưu điểm của hàng Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong sản xuất, phân phối và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, sản xuất nhiều hàng hóa Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu. Tạo điều kiện tiếp cận và trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh. Cuộc vận động tiến hành phải kiên trì, lâu dài lấy giải pháp tuyên truyền, vận động là chính, đồng thời coi trọng các giải pháp về quản lý và cơ chế chính sách, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

Thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các vùng nông thôn của tỉnh. Tạo được sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng, kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, các cơ sở mua bán lẻ tại địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động số 51 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị; Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên người lao động và nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động, thể hiện trách nhiệm và tinh thần yêu nước của mình thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực trong tiêu dùng hàng Việt Nam; 
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện Cuộc vận động; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về cuộc vận động, tuyên truyền quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất; Nêu gương các điển hình thực hiện tốt cuộc vận động.

Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các nội dung của cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở cơ quan, đơn vị, khu dân cư. Tích cực vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; vận động các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động, qua đó góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, chung sức, chung lòng cùng với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Xây dựng các quy định về việc sử dụng hàng Việt khi thực hiện mua sắm, đầu tư công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh khi thực hiện các dự án, công trình ưu tiên sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất  trong nước có chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức các chương trình hội thảo, triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tổ chức phân phối, bán lẻ hàng Việt đến khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo, tổ chức phiên chợ bán hàng Việt tại các chợ trung tâm... để giúp người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận với thương hiệu, hàng hóa Việt Nam.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Xử lý nghiêm những đơn vị cá nhân không thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu, các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để không làm ảnh hưởng chung đến các loại hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao./.

Quốc Tuấn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất