Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 4/9/2008 14:0'(GMT+7)

Kiên trì các biện pháp kiềm chế lạm phát

Nhìn nhận những nguy cơ diễn biến của lạm phát để đưa ra những biện pháp duy trì kết quả đã đạt được là việc cần làm hiện nay. Ông Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

PV: Thưa ông, có thể thấy hiện nay sức ép lạm phát đang có dấu hiệu giảm dần. Ông đánh giá tình trạng này như thế nào?

Ông Vũ Đình Ánh: Nếu nhìn chỉ số giá (CPI) tháng 7 là 1,13, tháng 8 là 1,56 thì rõ ràng sức ép về lạm phát, sức ép về giá cả tăng kể từ đầu năm đã chiều hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân, và nhiều yếu tố cộng hưởng từ bên trong, bên ngoài. Yếu tố bên ngoài là do tác động của thị trường quốc tế, đặc biệt là một số mặt hàng chiến lược như là xăng dầu, lương thực và nhiều loại nguyên phụ liệu khác xu hướng đang giảm giá trên thị trường thế giới sau một thời gian tăng rất cao.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 liên quan đến bản thân nền kinh tế, là các biện pháp chúng ta sử dụng để kiềm chế lạm phát, đặc biệt là biện pháp thắt chặt tiền tệ đã phát huy tác dụng nhất định. Nhóm nguyên nhân thứ 3 liên quan tới quy luật tăng giá tiêu dùng Việt Nam trong năm. Thông thường giai đoạn từ tháng 6 cho tới hết tháng 9 hàng năm chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng thấp và có những tháng giảm. Do những tháng đó sức mua, sức tiêu dùng của xã hội có xu hướng suy giảm, dẫn đến khả năng kìm hãm sự tăng giá của các mặt hàng, dịch vụ tiêu dùng.


PV: Ngoài những nguyên nhân vừa nêu, ông đánh giá yếu tố điều hành của Chính phủ, những biện pháp mà chúng ta thực hiện để kiềm chế lạm phát thực tế đã phát huy hiệu quả như thế nào?

Ông Vũ Đình Ánh: Rõ ràng là khi Chính phủ đề ra những biện pháp và đặc biệt tập trung vào 8 nhóm giải pháp thì chúng đã phát huy được những tác dụng tích cực trong việc kiềm chế lạm phát. Cũng đã lâu rồi mới có một nhóm giải pháp tương đối đồng bộ như vậy. Vấn đề chúng ta ưu tiên rất rõ ràng là kiềm chế lạm phát và chúng ta đã kiên quyết thực hiện những biện pháp đó.


Bên cạnh đó, những biện pháp điều hành trong quản lý nhà nước có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là chúng ta đã linh hoạt hơn trong vấn đề điều hành chính sách. Các phản ứng của chúng ta tương đối nhanh nhạy đối với những vấn đề biến động của thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.

PV: Nhưng rõ ràng chúng ta không thể chủ quan đối với những kết quả chúng ta làm được trong kiềm chế lạm phát. Vậy nguy cơ cụ thể ở đây là gì?


Ông Vũ Đình Ánh:
Đúng là như vậy. Những bài học trong quá khứ đã cho chúng ta thấy, nếu bây giờ chúng ta chủ quan, nới lỏng thì những kết quả đạt được sẽ mất đi trong một thời gian rất ngắn. Đặc biệt phía trước có các nguy cơ có tính quy luật và có những nguy cơ mà chúng ta không thể dự đoán hết được.

Nhóm không dự đoán, dự báo được là biến động của thị trường quốc tế. Hiện nay đang có xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới, ví dụ như các mặt hàng nhiên liệu chiến lược. Tuy nhiên, cũng không ai dám khẳng định rằng xu hướng này từ nay đến cuối năm sẽ duy trì, thậm chí có những dấu hiệu cho thấy rằng nó sẽ đảo ngược, và như vậy sẽ tác động rất xấu tới khả năng kiềm chế lạm phát của chúng ta.


Nhóm yếu tố bên trong nếu nới lỏng thì có khả năng kích thích thêm vấn đề giá tăng và mục tiêu kiềm chế lạm phát của chúng ta sẽ gặp khó khăn. Nhóm yếu tố thứ 3 là vấn đề có tính quy luật của diễn biến giá cả ở thị trường Việt Nam- những tháng cuối năm thông thường là tăng cao hơn những tháng giữa năm. Xu hướng này có thể kéo dài đến trước và sau thời điểm Tết của năm sau. Nếu chúng ta không kiên quyết duy trì các biện pháp quyết liệt, có thể hệ quả đó làm cho năm 2009 sẽ phải đứng trước các nhiệm vụ tiếp tục kiềm chế lạm phát, và có thể phải kiềm chế lạm phát ở mức độ khó khăn hơn, điều đó rất nguy hiểm.


PV: Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm, vai trò bình ổn giá của những mặt hàng thiết yếu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có ý kiến cho rằng, không được phép tăng giá những mặt hàng chủ đạo, như xi măng, sắt thép, điện hay than... Vấn đề này phải xử lý thế nào?


Ông Vũ Đình Ánh:
Vấn đề này đặt trong tổng thể 8 nhóm giải pháp đã đề ra, trong đó có một nhóm chúng ta cương quyết giữ giá những mặt hàng chiến lược là điện, nước sinh hoạt, xi măng, sắt thép... Vấn đề là cam kết của Chính phủ đối với xã hội và thông qua đó là niềm tin của xã hội đối với Chính phủ và các biện pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát.


Tuy nhiên tôi nghĩ, không nhất thiết phải cứng nhắc vì rõ ràng hiện tượng lạm phát cao như 2007 và 2008 này là hiện tượng tương đối đặc biệt và do đó chúng ta phải áp dụng những biện pháp tương đối đặc biệt. Tuy nhiên tính đặc biệt đó sẽ phải mất đi ngay sau khi trạng thái đặc biệt đã đi qua. Điều quan trọng là chúng ta xác định khi nào trạng thái đặc biệt đó đã vượt qua được rồi để chúng ta điều chỉnh chính sách phù hợp.


Liên quan đến những nhóm hàng hoá chúng ta đã cam kết thì cũng không nhất thiết phải cứng nhắc thực hiện như vậy. Nếu như có những chuyển biến tích cực và tương đối vững chắc chúng ta có thể xem xét như trường hợp xăng dầu, chuyển dần sang hướng tiếp cận với thị trường. Và ta đã không thực hiện như cũ nữa. Đối với xi măng, sắt thép, điện nước sinh hoạt cũng nên có những lộ trình tương tự như với xăng dầu. Và phải có những ứng xử linh hoạt thì sẽ phù hợp hơn với nền kinh tế đang phát triển theo xu hướng thị trường.


PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chúng ta nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng phải điều hành linh hoạt. Cụ thể vấn đề này cần phải làm như thế nào, đã đến lúc phải nới lỏng chính sách tiền tệ chưa, vì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn phục vụ cho đầu tư sản xuất?


Ông Vũ Đình Ánh:
Đúng là như vậy, khi chỉ số giá của những tháng gần đây tương đối thấp so với những tháng trước đó thì có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta sẽ giảm bớt thắt chặt chính sách tiền tệ.


Tuy nhiên với quan điểm riêng của tôi, thì bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để giảm bớt thắt chặt tiền tệ, đặc biệt liên quan đến vấn đề lãi suất và tín dụng. Lãi suất giữ như mức hiện nay chúng ta đang có lãi suất thực âm chứ chưa đạt được mức lãi suất thực dương. Nếu như đạt được mức lãi suất thực dương thì lãi suất còn phải cao hơn nữa. Tuy nhiên, nếu tăng cao hơn nữa thì sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tín dụng của ngân hàng sẽ rất là khó khăn, từ đó dẫn đến những khó khăn khác xảy ra đối với nền kinh tế. Nên theo quan điểm của tôi, trong thời gian tới vẫn giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay.


Vấn đề thứ 2 liên quan đến vấn đề nới lỏng hay giảm thắt chặt, tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay là chưa thích hợp đặc biệt cái này nhạy cảm ở chỗ thông thường từ nay đến cuối năm xu thế tăng tín dụng rất cao chiếm một tỷ trọng lớn trong tỷ lệ tăng tín dụng của cả năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm ngoái chúng ta tăng tín dụng khá cao rồi thì năm nay nhiệm vụ trọng tâm là chúng ta giảm tỷ lệ tín dụng phù hợp với phát triển của nền kinh tế. Tức là cả năm chỉ 25 – 30% là tối đa. Rõ ràng nếu tăng tỷ lệ tín dụng thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho cả năm nay và năm sau nữa.

*Xin cảm ơn ông!

(VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất