Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 13/4/2014 8:27'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum

Nhà văn hóa NTM đạt chuẩn xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà.

Nhà văn hóa NTM đạt chuẩn xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà.

Kon Tum, là một tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên gần 969 ngàn ha; có 08 huyện và 01 thành phố, với 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 53 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã biên giới, với 847 thôn, làng. Dân số của tỉnh tính đến cuối năm 2013 khoảng 464 ngàn người, dân tộc thiểu số chiếm trên 53%; có trên 66% dân cư sinh sống ở vùng nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 của tỉnh còn cao (trên 19%), đời sống kinh tế- xã hội của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, quy mô kinh tế nhỏ bé, hằng năm còn phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương với khoảng 70% tổng chi.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Kon Tum có 81 xã (cuối năm 2013 chia tách thêm 05 xã, hiện nay là 86 xã). Trước khi triển khai thực hiện Chương trình NTM, so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì mặt bằng chung nông thôn của tỉnh đang nằm ở mức thấp, hầu hết các xã mới chỉ đạt được từ 2 đến 3 tiêu chí. Với những đặc điểm về kinh tế- xã hội không thuận lợi trên, đã tác động ảnh hưởng lớn đến hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, xác định việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng  NTM là một nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh của tỉnh phát triển, nên ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cụ thể, như: Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về xây dựng NTM; UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách… để tổ chức thực hiện; các ngành, các cấp đã tập trung triển khai thực hiện theo nhiệm vụ, mục tiêu xác định.

Để nâng cao kiến thức của nhân dân về Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong công tác thông tin, tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức, như: Phát động phong trào  thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011- 2015; lồng ghép với cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phát động phong trào thi đua “dân vận khéo” trong Chương trình MTQG xây dựng NTM…; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; thông tin, tuyên truyền về NTM qua pa nô, áp pích, biển báo, tờ rơi, thông qua các cuộc họp, hội nghị ở cơ sở, thôn, làng…, qua đó đã nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về xây dựng NTM ở từng địa phương, cơ sở và bước đầu đã xây dựng được một số phong trào xây dựng NTM, như: Phong trào xây dựng công trình NTM không đền bù đất đai, vật kiến trúc; Phong trào làm vệ sinh môi trường nông thôn; Phong trào làm đường giao thông nông thôn; Phong trào phát triển kinh tế hợp tác xã…Cùng với việc thông tin, tuyên truyền, tỉnh đã lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM cho tất cả các xã (đạt 100%) và đã được phê duyệt.  

Trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn: Trong 03 năm qua, ngoài các Chương trình dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn nông thôn, tỉnh cũng đã ưu tiên tập trung nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nông thôn. Đến nay, đã có 86/86 xã có đường ô tô đến trung tâm (có 80/86 xã có đường ô tô đi lại được cả hai mùa); có 568/671 thôn (chiếm trên 84%) có đường xe ô tô đi đến trung tâm xã; có 86/86 xã có điện lưới và 660/671 (chiếm trên 98%) thôn có điện lưới; có 81/86 xã có trường tiểu học, 80/86 xã có trường trung học cơ sở, 05/86 xã có trường trung học phổ thông, 76/86 xã có trường mẫu giáo mầm non; 81/86 xã có trạm y tế; 11/86 xã có chợ; 15/86 xã có nhà văn hóa xã, 620/671 thôn có nhà văn hóa thôn; 68/86 xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn, có khoảng 70% thôn, làng được phủ sóng Internet 3G.

So với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tỷ lệ đạt chuẩn các tiêu chí của các xã trong tỉnh đã tăng lên qua từng năm. Đến nay, có 02/ 86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 02 về giao thông; có 51/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 03 về thủy lợi; có 58/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 04 về điện; có 12/86 xã đạt chuẩn tiêu chí số 05 về trường học và hầu hết các xã đều có trạm y tế.

Trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các đề án, chương trình, như: Đề án hỗ trợ phát triển cây cao su tiểu điền; Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh; Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020; các Dự án nuôi trồng thủy sản, rau hoa xứ lạnh; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo… Qua việc thực hiện các đề án, chương trình, bước đầu đã có một số mô hình đạt hiệu quả cao, như: Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trên các loại cây trồng, đệm lót sinh học chăn nuôi gia súc, gia cầm tại huyện Đăk Hà; Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; Mô hình trồng rau hoa xứ lạnh; Mô hình trồng rau sạch bền vững; Mô hình nuôi bò sinh sản; Nhóm hộ vừa sản xuất vừa pha chế cà phê; Nhóm hộ sơ chế mủ cao su; Mô hình trồng Thanh long ruột đỏ; Mô hình chăn nuôi đặc sản…

Đi đôi với việc phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân, tỉnh cũng đã quan tâm chú trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có trên 08 ngàn người được đào tạo nghề, trong đó: Nghề nông nghiệp, trên 5.300 người. Hầu hết các đối tượng được đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tiếp thu được kiến thức, cách làm, đã biết áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho bản thân; còn đối với các đối tượng được đào tạo nghề phi nông nghiệp, đã biết áp dụng vào cuộc sống để tự kiếm sống bằng nghề. Qua việc hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 33,3% năm 2010 xuống còn 19,2% năm 2013.

Trong việc phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường nông thôn, đến cuối năm 2013, về giáo dục: Toàn tỉnh có 25 trường mầm non, 55 trường tiểu học, 25 trường trung học cơ sở và 05 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% xã được công nhận phổ cập tiểu học đúng độ tuổi.

Về y tế, công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được tăng cường; Công tác phòng ngừa dịch bệnh được quan tâm chú trọng; Cơ sở, trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh được đầu tư kịp thời, đầy đủ; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt cao (trên 83%); Có 13 xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế (giai đoạn 2010- 2020).

Về văn hóa, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa xã, thôn được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng. Năm 2013, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn về tỷ lệ thôn, làng văn hóa; 02 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất về văn hóa.

Về môi trường sinh thái, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn vốn, lồng ghép xây dựng các công trình nước ngọt, hỗ trợ xây dựng hầm Biogas, hỗ trợ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh… Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh khu vực nông thôn gần 40%, tăng trên 07% so với năm 2010; một số xã đã thành lập tổ thu gom, xử lý rác thải…

Trong việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị, đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Đến nay, có 17 xã đạt chuẩn hệ thống tổ chức chính trị- xã hội, với 60 Đảng bộ, chính quyền xã đạt chuẩn và 56 tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên; có 17 xã đạt chuẩn về chỉ tiêu cán bộ xã đạt chuẩn (chiếm 20% số xã).

Việc giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn được đảm bảo, đã kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác đảm bảo an toàn giao thông được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên. Đến nay, có 71/86 xã đạt chuẩn về an ninh trật tự.

Đánh giá kết quả sau 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Kon Tum cho biết: Qua 03 năm thực hiện Chương trình, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, như: Đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; người dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong việc hiện Chương trình; người dân đã tự giác tham gia Chương trình bằng nhiều công việc cụ thể. Cuộc sống vật chất, tinh thần nông dân vùng nông thôn được nâng cao, giảm dần các tệ nạn xã hội.

UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng các Đề án và ban hành các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM như Đề án tổng thể xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, cơ chế lồng phép, cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM, Đề án phát triển cao su tiểu điền, cà phê xứ lạnh. Các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác quy hoạch và đề án xây dựng NTM đã được tập trung thực hiện trước làm cơ sở để xây dựng, các phong trào về xây dựng NTM đã dần được hình thành. 

Đã có 02 xã đạt chuẩn xã NTM; đã xác định thêm một số mô hình mới, tiêu biểu như nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; hình thành nhóm hộ vừa sản xuất cà phê vừa tổ chức sơ chế; huy động được sự tham gia đóng góp kinh phí của người dân xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn….và rút ra được bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư bước đầu có kết quả tốt; đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn; Chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; Chương trình 135; Chương trình 30a… để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn các xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên, hiện nay việc xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế, như: Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 28% số xã có số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí (trong đó có xã mới chỉ đạt 02 tiêu chí). Việc huy động các nguồn lực để xây dựng NTM của tỉnh rất khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương; phần lớn các xã xa trung tâm, thuộc diện vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên không thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho việc kêu gọi sự tham gia đầu tư và hỗ trợ thực hiện Chương trình NTM.

Việc đầu tư xây dựng các công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM theo cơ chế đặc thù được quy định tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung cơ chế đầu tư thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2020 cần có sự lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác; nhưng các Bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thanh quyết toán đối với nguồn vốn lồng ghép thực hiện theo cơ chế đặc thù này.

Việc triển khai thực hiện Chương trình NTM theo phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ” trong điều kiện kinh tế khu vực nông thôn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; vì vậy kết quả huy động người dân tham gia thực hiện còn rất hạn chế (dân chủ yếu là hiến đất, cây cối, tham gia ngày công).

Về tổ chức, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình chủ yếu làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, chưa quy định cụ thể về biên chế chuyên trách, trong khi đó nhiệm vụ của Chương trình là rất nặng, dẫn đến công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM để sớm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2015, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện có hiệu quả trong thời gian đến, đó là:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phải xem các nhiệm vụ này là nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan chức năng.

Thứ hai, các địa phương, các ngành phải vào cuộc một cách đồng bộ, trên cơ sở các tiêu chí được phân phụ trách. Các ngành của tỉnh cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng đạt các tiêu chí, đồng thời phải gắn trách nhiệm của ngành trong việc xây dựng các tiêu chí hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường sự lãnh chỉ đạo trong xây dựng NTM, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.

Thứ tư, cần tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM; thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án, sự đóng góp của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để tạo ra nguồn lực tổng hợp, kết hợp với việc huy động nguồn lực của Nhân dân tham gia Chương trình MTQG xây dựng NTM theo phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ”.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình kinh tế- xã hội thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2014- 2015 để tạo thành khâu đột phá trong xây dựng NTM. Chú trọng việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Văn Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất