(TG) - Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), ngày 11.12, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy ra 4 trận động đất có độ lớn từ 2,8 đến 3,4. Các trận động đất trên đều không gây rủi ro thiên tai.
Ngày 11/12 vừa qua, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 4 trận động đất có độ lớn từ 2,8 đến 3,4 nhưng không gây rủi ro thiên tai.
Trận động đất thứ nhất có độ lớn 2,8 xảy ra vào lúc 00 giờ 41 phút 8 giây, tại tọa độ 14.738 độ Vĩ Bắc-108.412 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ hai có độ lớn 3,3 xảy ra vào lúc 00 giờ 45 phút 4 giây, tại tọa độ 14.823 độ Vĩ Bắc-108.274 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ ba có độ lớn 2,9 xảy ra vào lúc 2 giờ 28 phút 57 giây, tại tọa độ 14.733 độ Vĩ Bắc-108.398 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Trận động đất thứ tư có độ lớn 3,4, xảy ra vào lúc 5 giờ 40 phút 50 giây, tại tọa độ 14.851 độ Vĩ Bắc-108.246 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.
Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,7.
Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng (huyện Kon Plông) Trần Văn Nết - nơi được xem là tâm chấn động đất cho biết, các trận động đất trong ngày không gây thiệt hại tài sản, tính mạng người dân.
Trước đó, chiều 23/8/2022, khu vực này đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4,7, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trận động đất có độ lớn cao thứ hai tại khu vực này xảy ra vào trưa 18/4/2022 với độ lớn là 4,5.
Từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra hơn 300 trận động đất. Các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Thiết lập thêm trạm quan trắc để cảnh báo kịp thời
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ tháng 6.2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra.
Đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm. Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Viện Vật lý Địa cầu cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Dưới đây là một số kỹ năng ứng phó để giảm thiểu thiệt hại, tai nạn khi động đất xảy ra:
Khi ở trong nhà
Động đất ở Việt Nam thường là những rung chấn nhỏ, không như nhiều nước. Kỹ năng thoát hiểm của người dân vì thế vẫn còn hạn chế.
Nếu động đất xảy ra, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm vị trí trú ẩn như gầm bàn, gầm ghế hoặc góc tường, nhà để tránh đồ vật rơi xuống đầu. Bạn không nên chạy ra ngoài hoặc di chuyển đến các khu vực khác vì không đủ thời gian và rung chấn có thể khiến đồ vật rơi, gãy, cấu kiện bị đổ sập.
Ngoài ra, việc cùng di chuyển trong tâm lý hoảng loạn, vội vã có thể gây ra tình trạng dẫm đạp lên nhau, rất nguy hiểm, nhất là khi mọi người thường không mang theo đồ bảo vệ.
Khi ẩn nấp, bạn nên ngồi theo tư thế khom lưng, một tay ôm đầu gối, tay còn lại có thể che gáy, ôm đầu để bảo vệ vùng quan trọng này. Nếu kịp cầm theo quần, áo, túi xách, balo..., bạn nên sử dụng những đồ vật này để che lên gáy.
Khi ở ngoài đường
Nếu đang ở ngoài đường, bạn nên tìm một nơi kiên cố, xung quanh không có cây cao, cột đèn... để tránh bị gãy đổ, rơi vào đầu. Trong trường hợp đủ thời gian, hãy tìm vị trí thoáng như bãi đất trống, sau đó nằm xuống, đưa tay hoặc đồ vật che chắn phần đầu.
Trong khi động đất xảy ra, bạn cần hạn chế đi lại đến mức tối đa, ngồi yên một vài phút đến khi động đất dừng hẳn thì rời vị trí ẩn nấp.
Trần Hương